Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghề làm hương trầm dịp Tết Nguyên đán ở Huế: Những điều ít người biết

Hương trầm ở Thủy Xuân (Huế) có mùi hương đặc trưng nhưng để có được một bó hương phải rất kỳ công, trải qua nhiều giai đoạn, chọn nguyên liệu mà không phải ai cũng biết.

Làng Thủy Xuân (thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế) nổi tiếng với nghề làm hương trầm thơm khó cưỡng vào dịp Tết. Cứ mỗi dịp cuối năm dân làng lại tất tả làm việc để có đủ lượng hương cung cấp ra thị trường.

“Bí kíp” của làng nghề trăm tuổi

Đi dọc theo đường Huyền Trân Công Chúa dịp cuối năm, du khách đi thăm điểm di tích lăng vua Tự Đức thường rất ấn tượng với vẻ đẹp của những bó hương đủ các sắc màu do người dân làng hương Thủy Xuân phơi ở hai ven đường. Đây cũng là đặc điểm để nhận biết, làng hương đang vào vụ sản xuất hương phục vụ Tết.

Để làm ra được thứ hương trầm thơm khó cưỡng dịp tết người nghệ nhân làng hương Thủy Xuân (Huế) phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Hiện tại làng nghề Thủy Xuân có trên 40 hộ sản xuất hương trầm. Tuy nhiên lực lượng đảm nhiệm công việc này chủ yếu là phụ nữ.

Các nghệ nhân trong làng cho biết, năm ngoái vì trời mưa nhiều nên đến Tết Nguyên đán số lượng hương trầm làm ra không đủ cung ứng cho thị trường.

Năm nay thời tiết thuận lợi hơn, nhiều gia đình tận dụng khoảng thời gian này để tăng cường sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Hương sản xuất tại làng nghề Thủy Xuân có đủ mẫu mã và chất lượng khác nhau, phục vụ được cho nhiều đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, điều làm nên tên tuổi của làng nghề này phải kể đến loại hương trầm khi đốt lên có cái vị dịu nhẹ, sâu lắng của đất Thần Kinh.

 

Người nghệ nhân làng hương phải trải qua nhiều công đoạn để cho ra những que hương có mùi thơm khó cưỡng. 

Bà Tôn Tuyết, một người làm hương lâu năm cho biết, để có được một bó hương nhìn có vẻ đơn giản nhưng người làm phải mất rất nhiều thời gian lựa chọn nguyên liệu như hoa hồi, thảo quả, bạch đàn, hoa bưởi khô, đinh hương…

Ngoài những nguyên liệu đó còn có thêm mùn cưa và keo ( keo được làm nên  được làm từ vỏ cây “Bì lời”, một loại vỏ được lấy chủ yếu từ vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị  hoặc từ Quảng Ngãi về - PV).

Sau đó các thành phần sẽ được đem nhào vừa với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương. Hương thơm của từng mẻ hương lại tùy thuộc vào bí quyết của mỗi người thợ. Người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền của mỗi nhà.” 

 

Tuy được se thủ công nhưng những cây hương nhìn rất đều, tròn trịa, dẻo dai rất khó gãy . Cây hương khi thắp lên sẽ cháy đến tận chân hương, người làm hương cũng phải rất kỹ lưỡng trong khâu làm chân hương để hương không bị cháy nửa chừng, tàn hương uốn cong đẹp mắt.

Ngày trước, người Huế thường chỉ làm chân hương với màu đỏ sẫm là chủ đạo. 

Để có được màu sắc cho chân hương, người thợ sẽ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước sôi (nước càng nóng chừng nào thì màu chân hương sẽ càng tươi sắc, và giữ được lâu chừng nấy), nhúng chân hương qua một vài lần, sau đó đem phơi khô lại lần nữa.

Video: Nghệ nhân làng hương trầm xứ Huế tiết lộ "bí kíp" làm hương cháy không tắt giữa chừng

Trong công đoạn tạo màu, người thợ cũng chú ý loại bỏ những chân hương có dấu hiệu ẩm mốc (vì những chân hương này khi phủ màu sẽ không giữ được màu sắc theo mong muốn của người thợ).

Công đoạn phơi hương cũng rất quan trọng, hương trầm chủ yếu được phơi nắng chứ không đưa vào lò sấy, vì phơi nắng sẽ làm cho hương khô một cách tự nhiên, không bị giòn gãy và mất mùi.

“Hương trầm ngày nay chủ yếu sản xuất bằng máy, vừa nhanh mà cây hương lại đều đẹp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên hương làm bằng tay chắc hơn, cháy chậm và mùi tỏa thơm hơn”, một nghệ nhân làm hương lâu năm ở làng hương Thủy Xuân đánh giá.

Nét đẹp văn hóa Huế

Hương trầm từ lâu đã trở thành thứ không thể hiếu trong đời sống tâm linh của người Huế.

Hương xứ trầm xứ Huế lại mang trong mình hương sắc riêng, gây ấn tượng khó khai trong tâm thức của những du khách lỡ đặt chân đến Huế, trong những chuyến du thuyền rồng trên dòng Hương Giang thơ mộng, nghe ca Huế và trong bầu không khí phảng phất mùi hương từ hai bên bờ sông.

Những que hương đủ sắc màu được dân làng Thủy Xuân tạo ra để hút du khách. 

Nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ ở làng hương Thủy Xuân cho biết: "Khi đời sống vật chất ngày càng đầy đủ thì mọi người càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tâm linh, nhất là trong các dịp lễ tết.

Đến với làng nghề Thủy Xuân không hiếm khách hàng sẵn sàng bỏ ra tiền triệu chỉ để tìm mua một bó hương trầm thật tốt bởi an tâm về chất lượng và thể hiện được tấm lòng của mình với người đã khuất”.

Làng hương Thủy Xuân nằm ngay trên con đường dẫn vào khu du lịch hút khách du lịch bậc nhất xứ Huế nên người dân đã biến nghề làm hương thành một trải nghiệm du lịch độc đáo.

Những chân hương nhuộm đủ sắc màu, tạo hình như những bông hoa khổng lồ nằm hai bên đường đã là điểm nhấn để hút du khách vào thăm làng hương.

Những bó hương như những bông hoa khổng lồ "khoe sắc" hai bên đường dẫn vào lăng vua Tự Đức. 

Nhiều du khách khi đến đây cảm thấy thật sự ấn tượng khi được tự tay làm nên những cây hương đủ màu sắc, hiểu thêm một nét văn hóa đẹp đất Cố đô.

Nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ chia sẻ về những giá trị văn hóa của hương trầm xứ Huế. 

Làng nghề Thủy Xuân bây giờ không chỉ cung cấp nguồn hương phục vụ cho đời sống tâm linh người dân xứ Huế mà còn mở rộng thị trường ra các địa phương khác. Hương thơm sâu lắng của hương trầm Thủy Xuân hôm nay đã len lỏi đến khắp các vùng miền.

“Mỗi cây hương trầm được làm ra không chỉ chứa đựng mồ hôi công sức của người làm, đó còn là một nét văn hóa nên đòi hỏi cần phải có cái tâm đối với nghề.Nén hương khi đốt lên phải cháy hết từ đầu đến cuối, tàn hương phải uốn cong, tất cả xuyên suốt như sợi dây nối người sống với thế giới tâm linh vậy.

Nếu làm ra cây hương trầm chỉ vì mục đích lợi nhuận, không gửi gắm được cái tâm của mình vào đó, hương đốt lên mà tắt nửa chừng thì nhất định sẽ không còn ai còn ngoảnh lại với làng nghề nữa”, nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ chia sẻ.

Nguyễn Vương – Quốc Trực

Tin mới