Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra trong 2 ngày (9-10/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội.
Trong tổng số hơn 2.000 đại biểu chính thức tham gia đại hội, có rất nhiều người là điển hình tiêu biểu trong hoạt động từ thiện xã hội. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến Hoàng Hoa Trung, chàng trai với biệt danh Trung "nuôi em”, Trung "đồng nát”.
Hoàng Hoa Trung, sinh năm 1990, được biết đến với vai trò là Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin, làm thiện nguyện từ năm 17 tuổi.
Với biệt tài hay quan sát và biến những phế phẩm thành tiền, từ năm 2003, Trung cùng với những người bạn trong nhóm tình nguyện thường xuyên đến các cơ sở sản xuất gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) xin những sản phẩm gốm lỗi đem đi bày bán trong các hội chợ sách, gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, xây các điểm trường vùng cao.
Sau hơn một năm kiên trì đi nhặt từng chiếc bát gốm, lọ hoa ở Bát Tràng, đi bán bảo hiểm xe máy, bán áo phông ở các hội chợ..., Hoàng Hoa Trung thực hiện “Dự án Ánh Sáng Núi Rừng” với sứ mệnh quan tâm, thực hiện những dự án hướng tới trẻ em vùng cao - đối tượng yếu thế nhất và cần nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Hoàng Hoa Trung trong một chuyến thiện nguyện vùng cao.
Năm 2014, Trung và các bạn trẻ trong nhóm thực hiện “Dự án Nuôi Em” với hàng chục nghìn bữa ăn được triển khai, giúp giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học.
Tiếp đó là “Dự án Dũng sỹ bạt” với hoạt động xin bạt cũ, banner backdrop đã qua sử dụng đưa lên vùng cao, miễn phí hoàn toàn vận chuyển, để che chắn các điểm trường còn đang được dựng lên từ tranh, vách nứa.
Cứ thế, hàng loạt các dự án ý nghĩa cho trẻ em vùng cao ra đời. Những năm qua, Trung và các bạn trẻ, bằng niềm tin và tình yêu thương đã viết tiếp câu chuyện cổ tích về một nhóm tình nguyện có thể xây dựng những ngôi trường.
Tính đến tháng 7/2020, Hoàng Hoa Trung và nhóm tình nguyện Niềm tin xây dựng thành công 24 công trình, 22 trường, 1 nhà vệ sinh, 1 nhà nội trú 6 phòng, 1 nhà hạnh phúc. Đến nay, 1.000 em nhỏ được nhận nuôi và dự kiến cuối năm số lượng này sẽ lên 1.800 - 2.000 em.
Năm 2020, Hoàng Hoa Trung tiếp tục dành tâm huyết cho “Dự án Sức mạnh 2000”.
Hoàng Hoa Trung được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Mới đây, Trung lại tiếp tục được đề cử trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu về lĩnh vực hoạt động xã hội và được Forbes VietNam đưa vào danh sách ứng viên 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam (30 Under 30 năm 2020).
Bên cạnh Hoàng Hoa Trung, còn có nhiều điển hình tiêu biểu trong hoạt động từ thiện xã hội được lựa chọn tham gia Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X.
Tiêu biểu có thể kể đến là bà Lê Thị Thanh Thuỷ ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Gia đình bà Thuỷ ủng hộ để tổ chức và duy trì thực hiện nhận nuôi hàng tháng cho đến hết đời 68 trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam, với kinh phí trích ra từ nguồn lương của hai vợ chồng và sự đóng góp của một số bạn bè thân thiết - những người đồng cảm với hoàn cảnh các nạn nhân.
Công việc từ thiện này bà bắt đầu làm từ năm 2009 với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng hỗ trợ 68 cháu.
Ngày 20/3/2018, bà bắt đầu mở thêm quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó, cho nạn nhân da cam, cho người tàn tật, bệnh nhân nghèo… tại địa chỉ 176/40/7 Trương Công Định, Phường 3, TP Vũng Tàu. Quán cơm phát 150-180 suất/ngày, mỗi suất cơm trị giá khoảng 30 nghìn đồng.
Hoạt động được 2 năm, tổng chi phí cho quán cơm này tạm tính đến nay là khoảng 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, bà còn quyên góp ủng hộ cụ già bị mù neo đơn, các hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền khoảng 6,781 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Bản (sinh năm 1968), Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, ông Bản kết nối, vận động xây dựng, sửa chữa hơn gần 270 căn nhà đại đoàn kết và hơn 150 nhà tình nghĩa với số tiền khoảng 13,7 tỷ đồng (trong đó vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm khoảng 7,2 tỷ đồng); ngoài ra còn tặng gần 400 chiếc ti vi, hơn 300 xe đạp với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Bản tặng quà Tết cho hộ nghèo.
Bà Lò Thị Tím, ở Đội 19, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Bà là điển hình tiên tiến "Nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa đựa trên mô hình nền tảng gia đình”.
Mười năm, thanh xuân của bà gắn bó với cộng đồng Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, với mái ấm ngôi nhà và những đứa con thơ.
Hiện tại, bà có 16 con với độ tuổi từ 7-15 tuổi. Trong các năm học, gia đình bà có 1 con đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán, 3 con đạt học sinh giỏi cấp huyện, các con còn lại đều đạt học sinh khá, giỏi cấp trường.
Các con bà đều được tham gia học đầy đủ ở các cấp học và được hưởng các chế độ, quyền lợi như các trẻ bên ngoài Làng. Tất cả các con đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh, hòa đồng và học giỏi.
Bà Lò Thị Tím được UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Thích Nữ Liên Lập Nguyễn Thị Thùy Diệp, hiện là Trụ trì chùa Liên Hoa, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Nữ trụ trì là điển hình trong công tác nhân đạo, từ thiện, ủng hộ giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, Thích nữ Liên Lập luôn cố gắng vận động các nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ giúp đỡ cho bà con nhân dân bằng tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, luôn tích cực trong công tác nhân đạo từ thiện do Hội và địa phương phát động.
Ngoài ra, với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn đối với những bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện (bệnh viện huyện) và Hội Người mù huyện Hàm Thuận Bắc, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Thích nữ Liên Lập đứng ra vận động xây dựng bếp cơm từ thiện tại chùa Liên Hoa. Việc làm đầy ý nghĩa đó được duy trì từ năm 2015 đến nay.