Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thống đốc Ngân hàng nhà nước nêu 2 nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất tăng cao

(VTC News) -

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, cuối năm ngoái, dù không muốn vẫn phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao, không nới "room" để ưu tiên an toàn hệ thống.

Tại phiên họp Quốc Hội sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có giải trình về các vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đối với điều hành lãi suất, Thống đốc cho biết nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo và NHNN cũng rất mong muốn, quan tâm điều đó. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo Thống đốc, năm 2022 có 2 lý do rất quan trọng để chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn.

Thứ nhất là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Ở trong nước lạm phát có xu hướng tăng bình quân 3,15% tuy là mức thấp so với mục tiêu nhưng cũng cao hơn năm 2021. Đặc biệt, năm 2022 tăng nhanh từng tháng và đến cuối năm 2022 lạm phát so với cùng kỳ là 5%... cao hơn rất nhiều bình quân lạm phát năm 2021 là 0,84%. 

Thứ hai, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi mà các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá rất mạnh. Vào thời điểm  tháng 9-10/2022, đồng Việt Nam áp lực mất giá lên 9-10%. Nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ thì đồng Việt Nam sẽ mất giá cao, không chỉ dừng ở mức 3,5%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: Quochoi.vn).

Ở thời điểm đó, điều hành thị trường rất khó khăn và cũng thời điểm đó Thủ tướng đã cập nhật hàng ngày theo báo cáo của Thống đốc để chỉ đạo. Nếu chúng ta để đồng Việt Nam mất giá trên 10% thì doanh nghiệp, người dân rất khó và dẫn đến hàng hoá tăng cao, trong khi hàng hoá đầu vào Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng thì cộng hưởng mặt bằng giá thế giới tăng cao kéo theo chi phí đầu vào tăng cao và chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao, chưa kể doanh nghiệp Việt cũng vay mượn lớn lượng vốn từ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ sẽ khó khăn và tăng lên.

“Khi ổn định tỷ giá trở lại, lạm phát được kiểm soát thì trong những tháng đầu năm Ngân hàng nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất và đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cơ quan quản lý không thể nới room tín dụng vào thời điểm tháng 10/2022 do thị trường khi đó xảy ra vụ việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB, chưa có tiền lệ và nguy cơ lớn lan sang các nhà băng khác trong hệ thống.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân, sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì NHNN mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. 

Các đại biểu tham dự kỳ họp sáng 1/6 (Ảnh: Quochoi.vn).

Đối với tín dụng BĐS, Thống đốc NHNN cho biết, tăng trưởng khu vực này cao hơn tăng trưởng bình quân của nền kinh tế. Hiện những khó khăn của lĩnh vực BĐS chiếm đến 70% khó khăn về pháp lý.

“Do vậy các doanh nghiệp phải tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý và doanh nghiệp cần điều chỉnh giá BĐS để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích người mua nhà. Phía Ngân hàng nhà nước cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, rà soát các thủ tục hành chính để cho vay trên căn cứ phương án khả thi và không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo”, bà Hồng nói.

Đối với gói 120 nghìn tỷ đồng, Thống đốc Ngân hàng cho biết, đây là gói tín dụng do 4 Ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân, người có thu nhập thấp và chương trình kéo đến năm 2030.

“Nguồn vốn này do các ngân hàng huy động và lãi suất giảm từ 1,5- 2%. Gói vay này dành cho nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng quyết định vay là vấn đề thuộc quyền của người có thu nhập thấp và công nhân”, bà Hồng khẳng định.

PHẠM DUY

Tin mới