Phát biểu tại cuộc họp báo với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ở Stockholm hôm 25/5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói rằng đất nước của bà đang thảo luận về danh sách các điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ cố gắng "loại bỏ một số điểm mơ hồ" về các thông tin đăng tải trên phương tiện truyền thông, cũng như trong các tuyên bố chính thức trước đó.
Theo Thủ tướng Magdalena Andersson, những vấn đề này không quá khó để làm rõ ngay lập tức. "Chúng tôi tất nhiên sẽ dễ dàng làm rõ những vấn đề này. Chúng tôi không gửi tiền hoặc vũ khí cho các tổ chức khủng bố", bà nói.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông không muốn bình luận về những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Phần Lan và Thụy Điển, nhấn mạnh điều đó có thể khiến các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Ankara chỉ phức tạp hơn đối với các ứng viên NATO.
Tuy nhiên, theo ông Charles Michel, cả NATO và Liên minh châu Âu (EU) sẽ được hưởng lợi từ việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của liên minh quân sự này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ danh sách các yêu cầu đối với các ứng viên Thụy Điển và Phần Lan. Ankara nói rõ rằng họ muốn có sự bảo đảm bằng văn bản từ Phần Lan và Thụy Điển trước khi quá tình đàm phán gia nhập NATO của 2 quốc gia Bắc Âu này được tiến hành.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp, tài trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm mà nước này liệt vào danh sách “phần tử khủng bố”, đặc biệt là nhóm vũ trang đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ankara yêu cầu cả hai nước này ngừng các động thái ủng hộ các tay súng người Kurd và dỡ bỏ các hạn chế buôn bán vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc hội đàm giữa phái đoán từ Thụy Điển và Phần Lan với quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/5, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin nói rằng Ankara sẽ không đồng ý để 2 nước Bắc Âu gia nhập NATO cho đến khi những lo ngại về an ninh cụ thể của nước này liên quan đến khủng bố và các lệnh trừng phạt được đáp ứng.
Hai quốc gia Bắc Âu chính thức nộp đơn xin gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu vào giữa tháng 5, trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine. Việc gia nhập NATO cần có sự chấp thuận của tất cả các quốc gia trong khối, gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, quá trình để Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự chia rẽ ngay chính trong nội bộ của liên minh quân sự này.