Hôm 18/5, đại diện của các quốc gia thành viên của liên minh quân sự NATO đã tập hợp để tìm cách mở cuộc đàm phán về việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi 2 nước Bắc Âu nộp đơn. Tuy nhiên, đại diện Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã chặn nỗ lực đàm phán, nói rằng nước này vẫn cần làm việc về một số vấn đề.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán về đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan có thể kết thúc trong vòng một hoặc 2 tuần. Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người hoài nghi tính khả thi của điều này.
Để có thể gia nhập NATO, cả Phần Lan lẫn Thụy Điển đều cần có sự ủng hộ của cả 30 quốc gia thành viên NATO. (Ảnh: Getty)
Theo Financial Times, người phát ngôn của NATO chưa bình luận về trở ngại trong quá trình đàm phán song nói rằng “lợi ích an ninh của tất cả các đồng minh phải được tính đến và các bên quyết tâm làm việc về tất cả các vấn đề để có thể đi đến kết luận nhanh chóng”.
Đồng thời, người phát ngôn NATO vẫn khẳng định Thụy Điển và Phần Lan là “đối tác thân thiết nhất” của NATO, nhấn mạnh việc gia nhập của họ “sẽ củng cố an ninh EU - Đại Tây Dương”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu điều kiện giúp Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO. Theo đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 15/5 cho biết, Thụy Điển và Phần Lan phải ngừng hỗ trợ các nhóm đối lập đang bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng và dở bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi hai quốc gia này muốn trở thành thành viên của NATO.
Để có thể gia nhập NATO, cả Phần Lan lẫn Thụy Điển đều cần có sự ủng hộ của cả 30 quốc gia thành viên thuộc liên minh. Quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập của hai nước Bắc Âu có thể kéo dài khoảng một năm, dù Phần Lan và Thụy Điển được cho là đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để trở thành thành viên NATO.
Phản ứng trước quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva "không có vấn đề gì" với Stockholm hoặc Helsinki và việc họ gia nhập NATO "không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga".
Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO vào lãnh thổ Thụy Điển hoặc Phần Lan chắc chắn sẽ buộc chúng tôi phải đáp trả”, và phản ứng của Nga “sẽ dựa trên những mối đe dọa đối với chúng tôi".