Báo DW (Đức) đưa tin, ngày 18/5, Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức đệ đơn xin gia nhập liên minh quân sự 73 tuổi NATO, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ phản đối nỗ lực này.
Phát biểu với báo giới sau khi tiếp nhận đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu nói trên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ: “Tôi nồng nhiệt hoan nghênh đề nghị của Phần Lan và Thụy Điển được gia nhập NATO. Các bạn là những đối tác mật thiết nhất của chúng tôi”.
Lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển quyết định xin gia nhập NATO. (Ảnh: DW)
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói: “Tôi vui mừng khi chúng ta đi chung con đường và chúng ta có thể làm điều đó cùng nhau”.
Theo báo DW, các nghị định thư liên quan tới việc kết nạp hai nước Bắc Âu này vào NATO có thể được ký ngay trong tháng 6 tới. Tiếp sau đó là quá trình các thủ tục phê chuẩn tư cách thành viên. Thụy Điển và Phần Lan có thể trở thành các thành viên liên minh quân sự này trước cuối năm nay. Thông thường, quá trình phê chuẩn việc kết nạp thành viên mới của NATO mất khoảng 1 năm.
Động thái trên diễn ra 1 ngày sau khi Quốc hội Phần Lan đã phê chuẩn đề xuất xúc tiến quy trình để nước này trở thành thành viên của NATO với 188 phiếu thuận và 8 phiếu chống. Tổng thống Sauli Niinisto và chính phủ nước này đã quyết định đẩy nhanh quy trình Helsinki xin gia nhập liên minh quân sự trên. Phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto khẳng định việc gia nhập NATO sẽ không thay đổi quan điểm cơ bản của quốc gia Bắc Âu này, đó là luôn tìm kiếm những giải pháp hòa bình.
Thụy Điển cũng đã tuyên bố xúc tiến ngay quá trình gia nhập NATO mặc dù vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ vì những lo ngại về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 17/5, cả Đức và Mỹ đều cho rằng hai nước Bắc Âu có thể vượt qua rào cản để trở thành thành viên của khối liên minh quân sự này.
Theo Hiến chương NATO, việc kết nạp thành viên mới cần phải nhận được sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên hiện nay của liên minh, thông qua quá trình đàm phán nhiều thủ tục được quốc gia xin gia nhập xúc tiến với từng nước thành viên. Tới nay, ít nhất có Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối NATO kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/5 tuyên bố phái đoàn từ các nước Thụy Điển và Phần Lan không nên bận tâm đến việc đề nghị Ankara phê duyệt đơn xin gia nhập NATO. Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nói “không” với các nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời nhấn mạnh mọi nỗ lực nhằm thuyết phục Ankara thay đổi lập trường sẽ đều vô ích. Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng họ có thể phản đối trao qui chế thành viên NATO cho Thụy Điển và Phần Lan, trong đó ông Erdogan gọi hai nước Bắc Âu là “nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố”, ám chỉ Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.
Ngày 16/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO không phải là mối đe dọa trực tiếp với Nga, song cảnh báo việc khối này mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của 2 nước trên sẽ buộc Moskva phải có phản ứng.
Theo hãng tin TASS của Nga, trong phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) diễn ra tại Moskva, Tổng thống Putin nhấn mạnh đối với việc mở rộng của NATO, cụ thể là thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, Moskva không coi là mối đe dọa trực tiếp bởi Moskva không có vấn đề nào với các quốc gia này.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nói rõ Moskva sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển. Ông khẳng định phản ứng của Nga sẽ dựa theo bản chất của mối đe dọa mà Moskva đối mặt. Ông Putin cho rằng ngoài việc mở rộng hoạt động, NATO cũng vượt ra ngoài khuôn khổ không gian châu Âu-Đại Tây Dương và tìm cách tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế và kiểm soát tình hình quốc tế theo quan điểm an ninh của mình. Do vậy, theo Tổng thống Putin, Nga sẽ chú ý tới thực tế đó.