“Tôi rất vui vì chúng ta đã đi chung một con đường và chúng ta có thể cùng nhau làm điều đó”, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói hôm 17/5 trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto.
Theo Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, việc Mỹ nhanh chóng phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ giúp toàn bộ quá trình diễn ra nhanh hơn.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson.
"Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh này", ông Sauli Niinisto nói.
Theo dự kiến, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 19/5 để thảo luận về việc gia nhập NATO.
Quá trình gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu đang gặp khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ngờ phản đối, tuyên bố không ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này.
“Các tuyên bố từ Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên cứng rắn hơn trong vài ngày qua. Nhưng tôi chắc chắn rằng, với các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, chúng ta sẽ giải quyết được tình hình", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho hay.
Tổng thống Sauli Niinisto cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một tháng trước. Sau đó, ông Recep Tayyip Erdogan gửi gắm thông điệp ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO.
“Nhưng tuần trước, ông ấy đã nói 'không thuận lợi'. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục các cuộc thảo luận của mình. Tôi lạc quan", Tổng thống Sauli Niinisto cho biết thêm.
Thụy Điển và Phần Lan đã cân nhắc, xem xét trở thành hành viên NATO sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi tháng 2.
Dù Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO song tiến trình để 2 nước này trở thành thành viên của liên minh quân sự này được cho là không dễ dàng, mất nhiều thời gian.
Theo quy định của NATO, một quốc gia chỉ có thể chính thức được kết nạp nếu như nhận được sự đồng ý từ tất cả các nước thành viên trong khối.
Phản ứng trước quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva "không có vấn đề gì" với Stockholm hoặc Helsinki và việc họ gia nhập NATO "không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga".
Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO vào lãnh thổ Thụy Điển hoặc Phần Lan chắc chắn sẽ buộc chúng tôi phải đáp trả”, và phản ứng của Nga “sẽ dựa trên những mối đe dọa đối với chúng tôi".
Sau Mỹ và Anh, mới đây Đan Mạch, Iceland và Na Uy đưa ra cam kết an ninh đối với Thụy Điển và Phần Lan khi nộp đơn xin tư cách thành viên NATO. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất lên tiếng phản đối Stockholm và Helsinki gia nhập khối quân sự NATO.