Các điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ 8h sáng (theo giờ địa phương) trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ để cử tri tham gia vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng sẽ quyết định người sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng thống của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Được biết, có hơn 64 triệu cử tri có quyền tham gia bỏ phiếu trong vòng bầu cử lần này để lựa chọn người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cách thức quản lý và định hướng phát triển của đất nước trong những năm tới.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống. (Ảnh: skynewsarabia)
Vòng bầu cử thứ hai này sẽ chứng kiến sự cạnh tranh giữa hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đứng đầu Đảng Công lý và Phát triển và đại diện cho Liminh Nhân dân; trong khi ứng cử viên đối lập là ông Kamal Kilicdaroglu, lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa và đại diện cho Liên minh Quốc gia, bao gồm 6 đảng đối lập.
Quá trình bỏ phiếu kéo dài đến 5 giờ chiều cùng ngày, ở tất cả các bang của Thổ Nhĩ Kỳ, các cửa khẩu biên giới và sân bay. Người nhận được đa số phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ là người chiến thắng và trở thành Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống, sau khi không có bất kỳ ứng cử viên nào đạt được quá 50% số phiếu bầu trong vòng đầu tiên diễn ra hôm 14/5.
Ông Recep Tayyip Erdogan, 69 tuổi, đã dẫn trước đối thủ Kemal Kilicdaroglu tới 5 điểm trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/5, nhưng đã không đạt được tỷ lệ cần thiết để giành chiến thắng ngay từ vòng đầu tiên.
Liên minh Nhân dân, bao gồm Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan cũng đã giành chiến thắng quan trọng trước các đảng phái và liên minh đối lập trong cuộc bầu cử quốc hội cách đây 2 tuần, qua đó củng cố thêm lợi thế cho ông Erdogan trước vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống, với lập luận về sự hòa hợp giữa Tổng thống và Quốc hội để giúp duy trì sự ổn định chính trị của đất nước.
Trong khi đó, ứng cử viên đối lập Kilicdaroglu cam kết nếu giành chiến thắng sẽ quay trở lại với các chính sách kinh tế truyền thống, đồng thời đưa đất nước trở lại hệ thống nghị viện, bãi bỏ hệ thống Tổng thống hành pháp đã được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017.
Kết quả vòng bầu cử đầu tiên cũng cho thấy sự ủng hộ của cử tri nhiều hơn dự kiến đối với chủ nghĩa dân tộc, một trào lưu chính trị gia tăng mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm chính quyền nước này phát động cuộc chiến chống lại các chiến binh người Kurd, cũng như đối mặt với một âm mưu đảo chính bất thành vào năm 2016 và làn sóng người tị nạn từ Syria đổ vào kể từ năm 2011.