Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bầu cử mang tính bước ngoặt ở Thổ Nhĩ Kỳ sau 20 năm ông Erdogan nắm quyền

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt vào ngày 14/5, sau 20 năm đất nước này được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chèo lái.

Lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và công tác khắc phục hậu quả của thảm họa động đất là những mối quan tâm chính của 64 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đủ điều kiện bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo mới của đất nước lần này. Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng thời bỏ phiếu bầu 600 nghị sĩ quốc hội.

Ông Kemal Kilicdaroglu (trái) và đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Al-Monitor)

Các ứng cử viên tiềm năng

Ông Erdogan, 69 tuổi, người đứng đầu Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia cuộc đua với tư cách là ứng cử viên cho Liên minh Nhân dân cánh hữu chiếm đa số.

Ông Kilicdaroglu, một cựu công chức và nhà kinh tế 74 tuổi, là chủ tịch của Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) trung tả đối lập chính. Ông là ứng cử viên chung cho nửa tá đảng chính trị được gọi là Liên minh Quốc gia, bao gồm các nhà dân chủ, những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người bảo thủ tôn giáo, trong số đó có một số đồng minh cũ của ông Erdogan.

Các ứng cử viên tổng thống khác bao gồm Muharrem Ince, 59 tuổi, chủ tịch Đảng Tổ quốc trung dung mới thành lập và là cựu thành viên CHP, người đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018. Sinan Ogan, 55 tuổi, một người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đại diện cho Liên minh Tổ tiên, cũng  tranh cử.

Ince và Ogan dự kiến ​​sẽ chỉ giành được một phần nhỏ trong tổng số phiếu bầu, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy họ có thể đẩy cuộc bầu cử tổng thống đến vòng hai nếu không ai trong số bốn ứng cử viên giành được hơn một nửa số phiếu bầu.

Mối quan tâm của cử tri

Vấn đề cử tri Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm nhất chính là lạm phát. Giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như giá nhà ở đã tăng vọt với tỷ lệ lạm phát lên tới 85% trong tháng 10/2022. Con số này sau đó đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn ở mức trên 40% và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã nổi lên như một rào cản chính đối với nỗ lực tái tranh cử của ông Erdogan.

Một mối quan tâm lớn khác của cử tri là công tác khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2/2023 cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Thiệt hại kinh tế của thảm họa này ước tính lên đến 100 tỷ USD.

Chính phủ của Tổng thống Erdogan đã hứng chịu nhiều chỉ trích về tốc độ ứng phó với tình huống khẩn cấp. Mặc dù gần như không có phản ứng dữ dội nào từ phía các cử tri trên toàn quốc, nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các khu vực chịu tác động mạnh nhất của động đất có thể sẽ ở mức thấp.

Số phận của khoảng 4 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ - hầu hết là người chạy qua biên giới nước này với Syria – là một vấn đề nhức nhối khác được cử tri đặc biệt quan tâm. Áp lực của công chúng đang gia tăng yêu cầu trả những người này về nơi họ xuất phát. Cả bốn ứng cử viên Tổng thống đều ủng hộ ý tưởng đó nhưng với các mức độ khác nhau.

Các đảng đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ đang cam kết loại bỏ mô hình tổng thống điều hành do ông Erdogan đưa ra vào năm 2018. Mô hình này bị các nhà phê bình cho là đã đẩy nhanh quá trình làm xói mòn cơ chế kiểm tra và cân bằng do tập trung quyền lực trong tay ông Erdogan.

Nhóm cử tri có ảnh hưởng lớn

Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd tham gia cuộc bầu cử dưới ngọn cờ của Đảng Cánh tả Xanh, được coi là lực lượng có ảnh hưởng hàng đầu trong cán cân quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ, cho cả chức vụ tổng thống và giành các ghế nghị sĩ trong quốc hội.

HDP là một phần của liên minh ủng hộ ông Kilicdaroglu và gần như chắc chắn là nhóm lớn thứ ba trong quốc hội, biến khối này thành lực lượng có đủ ảnh hưởng trong việc thông qua các luật nếu hai liên minh kia không chiếm đa số.

So với cuộc bầu cử trước, lần này có hơn 5 triệu cử tri lần đầu đủ điều kiện đi bỏ phiếu. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Erdogan không thu hút được các cử tri trẻ tuổi nên tỷ lệ cử tri đi bầu cao trong nhóm chủ chốt đó có thể thay đổi cục diện kết quả bầu cử.

Tác động của bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ với khu vực và thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng kết nối châu Á, châu Âu và Trung Đông, đồng thời có quân đội lớn thứ hai trong số các thành viên NATO sau Mỹ.

Đất nước này được coi là có thể đóng vai trò chủ chốt trong bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến ở Ukraine khi đứng về cả hai bên, vun đắp mối quan hệ thân thiện với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong khi giữ lập trường trung lập trong cuộc xung đột. Mối quan hệ thân thiết của ông Erdogan với ông Putin đã khiến một số thành viên NATO lo ngại, nhưng ông cũng sử dụng vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ để làm trung gian cho một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine.

Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã phô trương sức mạnh quân sự của mình bằng các can thiệp vào Syria và phát động cuộc tấn công chống lại các chiến binh người Kurd ở Iraq. Nước này cũng đã gửi hỗ trợ quân sự cho Libya và Azerbaijan.

Trong vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay vào việc nối lại quan hệ sau xung đột ngoại giao với các nước khu vực bao gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Israel và Saudi Arabia.

Một số nhà quan sát chính trị đã bày tỏ lo ngại nếu thất bại trong cuộc bầu cử sít sao vào cuối tuần này, chính quyền của đương kim Tổng thống Erdogan có thể gây áp lực lên Hội đồng bầu cử tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ để tác động đến kết quả – như họ bị cáo buộc từng làm trong cuộc đua giành chức thị trưởng Istanbul năm 2019, mà phe đối lập cuối cùng đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, cố vấn trưởng kiêm phát ngôn viên của Tổng thống, ông Ibrahim Kalin đã bác bỏ nghi ngại này, nói rằng: "Dù kết quả bầu cử ra sao thì chúng tôi vẫn tôn trọng nó".

Hùng Cường (VOV.VN/Nikkei)

Tin mới