Khoảng 2-3 tháng nay, trên các diễn đàn chia sẻ bí quyết nấu ăn ngon, ngoài chủ đề “giá thịt lợn quá đắt đỏ” thì chủ đề “chuyển sang ăn gà, vịt” thu hút sự quan tâm đông đảo của các bà nội trợ. Bởi, giá thịt lợn tại chợ, siêu thị tăng lên mức 140.000-300.000 đồng/kg, thu nhập lại giảm mạnh vì dịch COVID-19. Thế nên, nhiều gia đình quyết định hạn chế thịt lợn, thay thế bằng thịt gà, vịt.
Không ít bà nội trợ thừa nhận dù giá gà rất rẻ, nhưng ngày nào cũng ăn loại thịt này là chuyện không đơn giản, cực kỳ chán. Ăn đến bữa thứ 3 thôi là chẳng ai buồn động đũa, đầu hàng vô điều kiện.
Song, cũng có nhiều bà nội trợ thành công trong chuyện chuyển đổi từ ăn thịt lợn sang ăn thịt gia cầm. Để giải bài toán “chống ngán thịt gà, vịt”, họ cũng phải đau đầu nghĩ cách chế biến mỗi ngày 1 món ăn từ thịt gà, đảm bảo không "đụng hàng".
Xách túi ức gà trên tay vừa mua ở chợ khu chợ gần nhà, chị Phan Thị Mai ở Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) khoe: “0,5kg ức gà này chỉ hết 25.000 đồng. Tối về cho vào xay cũng với các loại gia vị để chiên lên sẽ có món chả gà thơm phức. Thêm 8.000 đồng đậu phụ, ít cà chua, rau xanh nữa là tối có mâm cơm ngon chưa đến 40.000 đồng”.
Nhiều gia đình quyết định đổi từ ăn thịt lợn sang ăn thịt gà, vịt vì có giá rẻ.
Chị tâm sự, từ ngày thịt lợn đắt đỏ, gà, vịt trở thành món ăn chủ đạo trong mâm cơm của gia đình chị. Ngày này qua ngày khác, mâm không có món làm thịt gà thì có thịt vịt thay thế, thịt lợn vắng bóng cả tháng.
Những đầu chuyển đổi, cả nhà 4 người ai cũng tỏ ra ngán ngẩm. Nhất là 2 đứa con của chị, chúng bảo thà ăn rau chứ nhất quyết không ăn thêm miếng gà, vịt nào.
Chị cũng ngán ăn gà vịt chẳng kèm gì. Bởi, gần 40 tuổi, thịt lợn chị có thể ăn từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, còn thịt gà, thịt vịt tuần chỉ ăn 1-2 bữa đổi vị chứ không phải triền miên như bây giờ. Nhưng nghĩ đến tiền mua thịt lợn, túi tiền đi chợ của chị chịu không nổi. Trong khi đó, giá gà rẻ chỉ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/4 so với giá thịt lợn.
Có mua thịt gà, vịt ăn tiếp nữa hay không. Câu trả lời của chị vẫn là có. Thế nên, ngoài món luộc, rang đơn giản, tất cả thời gian rảnh chị lên các diễn đàn, lên mạng tìm cách chế biến món ăn từ thịt gà, vịt. Có những ngày chị bỏ 2-3 giờ đồng hồ để tìm hiểu, học cách làm.
“Cuối cùng tôi cũng thành công. Giờ có thể 5 ngày chế biến 10 món ăn khác nhau từ thịt gà. Con tôi thích thú vì ăn không ngán, còn phong cho mẹ là siêu đầu bếp”. Chị nói và cho biết, sau một thời gian dài mày mò, ngoài món đơn giản là rang, rán, nướng, chị còn có thể làm chả gà, gà xào sả ớt, gà tẩm bột chiên xù, ức gà sốt me, gà sốt vang, gà xào chua ngọt, gà sốt chua cày kiểu Hàn,...
Thịt gà chị dùng đa phần là thịt gà công nghiệp vì giá rẻ. Vì thế, những mâm cơm có thịt gà này cùng món phụ làm trừ trứng hoặc đậu phụ, rau thì tiền đi chợ chỉ tốn khoảng 40.000 đồng. Những hôm ăn sáng, ăn thịt gà ri hay gà mía, tiền chợ sẽ tốn hơn chút xíu, nhưng vẫn rẻ hơn so với ăn thịt lợn.
Tương tự, với thịt vịt, chị cũng học cách chế biến thành nhiều món khác nhau thay vì chỉ luộc. Thành ra, cả tháng nhà chị chỉ ăn gà vịt cũng không thấy ngán. Đặc biệt còn tiền kiệm được khá nhiều tiền chợ, chị nói.
Cùng chung cảnh ngộ không muốn bị hụt chi, chị Đặng Uyển Như ở Lãng Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng quyết định đưa thịt gà, vịt thành món chủ đạo trong mâm cơm thay thế cho món thịt lợn quốc dân.
“Ăn được đến ngày thứ 3, nhìn vào mâm cơm, chồng con tôi đồng thanh than lại là thịt gà. Nhưng, không thể vì thế mà chấp nhận thất bại với kế hoạch này”. Chị tiết lộ, sau đó, chị bỏ công sức chế biến những món ăn cầu kỳ hơn từ thịt gà. Ví như món chả gà đậu phụ, miến mọc gà, gà viên chiên,...
Những món này đều sử dụng thịt gà xay nhỏ. Khi nấu chín, nhìn cảm quan không biết chế biến từ thịt lợn hay gà nên không thấy ngán. Cả gia đình ăn còn khen ngon. Sau khi thay đổi được vài ngày, chị thú thật là toàn sử dụng thịt gà, mọi người cũng quen dần. Từ đó, ngoài băm nhỏ thịt ra chế biến, chị còn làm nhiều món khác từ thịt gà như gà chiên, cari gà, nộm gà,...
Rất nhiều món được chế biến từ thịt gà, tiền chợ nhờ đó cũng giảm mạnh nếu bỏ ra mua thịt lợn.
“Giờ ra đình tôi chủ yếu ăn gà, vịt, ngan, cá, trứng,... nên mỗi mâm cơm chỉ hết khoảng 40.000-50.000 đồng, hôm nào làm nhiều món thì hết 60.000 đồng”, chị chia sẻ.
Thực tế, mấy tháng gần đây, khi thịt lợn tăng giá phi mã, lên mức kỷ lục, người dân được khuyến nghị nên chuyển dần sang ăn thịt gà, vịt, trứng, thuỷ sản,... Nguồn cung những mặt hàng này rất dồi dào, giá rẻ, lại tốt cho sức khoẻ. Việc chuyển sang ăn các loại thực phẩm này còn giúp giảm áp lực, giúp thịt lợn dần hạ nhiệt.