Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thiếu 200.000 con, giá thịt lợn vẫn sẽ cao

(VTC News) -

Quý III/2020 vẫn thiếu khoảng 200.000 con lợn nên dự báo giá thịt lợn vẫn sẽ còn cao.

Trả lời VTC News trưa 19/7, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chủ động nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước, song dự báo quý III/2020 vẫn thiếu khoảng 200.000 con lợn.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập hơn 46.000 tấn thịt lợn. (Ảnh: Ngọc Khánh)

“Theo báo cáo của các tỉnh, Cục Chăn nuôi tính toán và dự báo đến cuối quý III, đầu quý IV sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống và đến cuối năm sẽ đủ sản lượng thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước”, ông Trong nói và cho biết, cuối năm nay, đàn lợn nái của Việt Nam sẽ tăng lên 3 triệu con, tổng đàn lợn khoảng 29 – 30 triệu, qua đó từng bước hạ nhiệt và ổn định cung, cầu thịt lợn, thậm chí hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi 6 tháng cuối năm sẽ vẫn gặp khó khăn, tuy nhiên so với những lĩnh vực nông nghiệp khác, chăn nuôi vẫn đang có nhiều thuận lợi hơn khi dịch bệnh tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt hơn.

Cục Chăn nuôi đặt mục tiêu với mặt hàng thịt lợn năm 2020 tăng 15 - 17%. Tuy nhiên để hoàn thành kế hoạch này, 6 tháng cuối năm toàn ngành phải tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, giá thịt lợn hiện vẫn cao do thiếu nguồn cung.

Năm 2019, nguồn cung giảm 20% so với năm 2018, 3 tháng đầu năm tiếp tục giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Thêm nữa, do nhiều địa phương chưa công bố hết dịch tả Châu Phi, nên nông dân chưa yên tâm tái đàn. Nhu cầu cao nên con giống cũng khan hiếm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhập lợn thịt và giống từ Thái Lan.

Việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vì đây là nước có hệ thống chăn nuôi phát triển, không có dịch tả lợn châu Phi, phòng chống bệnh truyền nhiễm tốt.

Doanh nghiệp cung cấp từ Thái Lan phải đáp ứng yêu cầu bán kính 10km tính từ khu chăn nuôi không có dịch bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh và các bệnh truyền nhiễm trong 12 tháng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lấy mẫu kiểm dịch không quá 30 ngày.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời nay, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 788 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Italia là 3 quốc gia có số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thịt vào Việt Nam nhiều nhất.

Trong khi đó, số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn thay đổi theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh và tình hình thị trường.

Từ đầu năm 2020 đến 13/4, có 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.

Trong năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2018), trong đó có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018).

Hòa Bình

Tin mới