Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thi Văn tốt nghiệp THPT: Đề hay, đánh thức lòng yêu nước của sĩ tử

(VTC News) -

Các giáo viên đánh giá đề thi Ngữ văn năm nay hay, vừa sức, phù hợp với khung kiến thức của Bộ GD&ĐT và đáp ứng chuẩn kiến thức kĩ năng của bộ môn.

Theo cô Nguyễn Bảo Nhung, giáo viên Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa (Hà Nội), đề thi Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa sức. Đề tạo ra tâm lý thoải mái, phấn khởi, tạo sự tự tin cho thí sinh ở những môn thi tiếp theo. Nhận định cấu trúc đề thi, cô giáo Nguyễn Bảo Nhung cho rằng, đề đã bám sát với chương trình đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó.

Trong đề thi cũng có mức độ phân hóa ở câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học. Ở phần đọc hiểu, đề bám sát với ma trận đề với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Đặc biệt đề khơi dậy sự sáng tạo của học sinh trong sự nhận biết đối với giá trị sống của sự vật và con người qua văn bản (Trích Cách sống; từ bình thường trở nên phi thường, Inamori Kazuo - NXB Lao động, 2020, tr, 103-104).

Phần nghị luận xã hội bàn về vấn đề “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai” giúp cho học sinh mạnh dạn đưa ra được quan điểm ý kiến của cá nhân để bàn luận, học sinh không những thể hiện được cách nhìn nhận đánh giá về cuộc sống mà còn nhận thức được con người phải sống “hết mình cho hiện tại” dù nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng trong vai trò tạo dựng xây đắp sự sống ngày mai.

Bên cạnh đó, học sinh ý thức được trách nhiệm và thái độ trân trọng nâng niu cuộc sống và vai trò của cá nhân mình từ những việc làm nhỏ đến những việc làm có ý nghĩa lớn lao, hơn cả là chúng ta cần có tinh thần lạc quan vượt qua gian khó, chạm tới thành công. Ở câu hỏi này học sinh sẽ vận dụng hết được kĩ năng hiểu biết về cuộc sống và xã hội để khai thác đề.

Phần nghị luận văn học yêu cầu của đề phù hợp với kiến thức Ngữ văn 12, không bất ngờ nhưng ngược lại hoàn toàn có thể phân hóa được đối tượng học sinh. Bên cạnh đó đề sẽ phát huy được tính sáng tạo của học sinh trong việc thể hiện sự hiểu biết kiến thức về tác phẩm, tác giả.

Đặc biệt thức dậy trong học sinh tình yêu đối với đất nước, lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã anh dũng và hy sinh bảo vệ nền hòa bình độc lập dân tộc, cũng như ý thức trách nhiệm, vai trò của thế hệ hôm nay với việc sống, học tập, cống hiến cho tổ quốc ngày mai.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: H.C)

Phổ điểm dự kiến từ 6-7

Cô giáo Hà Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng, đề thi Ngữ Văn theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, vừa cơ bản vừa có độ phân hóa.

Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu đề ra khá hay, đề cập đến vấn đề tư tưởng đạo lí có ý nghĩa với các em học sinh, đó là sống hết mình cho hiện tại qua cách diễn đạt giàu hình ảnh, tác động sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức.

Các câu hỏi được sắp xếp theo đúng các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Câu 4 học sinh có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình về vấn đề sống hết mình cho hiện tại để có thêm niềm tin ở tương lai. Đây là một vấn đề rất thiết thực để giúp học sinh biết trân trọng và phát huy hơn những gì các em đang có.

Phần nghị luận xã hội câu hỏi rất sáng rõ, bám sát phần đọc hiểu. Học sinh phải nêu được sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày bởi lẽ được sinh ra, được sống là điều đáng quý nhất.

Phần nghị luận văn học vào văn bản "Đất nước" rất quen thuộc và nằm trong kiến thức trọng tâm ôn tập. Về dung lượng đoạn trích đề ra hơi dài, đòi hỏi học sinh vận dụng hết các kĩ năng cảm nhận, phân tích, bình luận,…

Cái hay của đề Văn năm nay là nội dung của các phần từ Đọc hiểu đến Làm văn đều khơi dậy ở các em học sinh ý thức được sâu sắc về trách nhiệm của bản thân với chính mình và với cả xã hội. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi cả nước đang phải đối diện khó khăn do dịch bệnh thì đây thực sự là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc. Với đề thi này, phổ điểm của học sinh tầm từ 6-7.

Hà Cường

Tin mới