Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thị trường tuần qua: Mất nghìn tỷ vì tắc biên, VinFast bàn giao ô tô điện VF e34

(VTC News) -

Doanh nghiệp thiệt hại hàng nghìn tỷ do ùn tắc tại cửa khẩu giáp Trung Quốc, VinFast bàn giao xe điện VF e34 cho khách… là tin thị trường nổi bật tuần qua 17-24/12.

Tắc xe hàng ở biên giới: Thiệt hại 3.000 - 4.000 tỷ đồng 

Đến hết ngày 23/12, tổng số xe hàng còn tồn ở các cửa khẩu biên giới chờ xuất khẩu sang Trung Quốc là khoảng 6.200 xe, riêng tại cửa khẩu Lạng Sơn là hơn 4.400 xe.

Chuyên gia tính toán, với khoảng 6.200 xe chở hàng còn tồn đọng, nếu chỉ ước tính với chi phí thấp nhất là mỗi container hàng hóa trị giá 400 triệu đồng, chi phí vận tải 100 triệu đồng thì với hơn 6.200 container ùn ứ, doanh nghiệp có thể thiệt hại 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Đấy là chưa kể đến chi phí bến bãi, xăng dầu, tiền ăn uống, sinh hoạt phí của lái xe, bình quân một xe phải chịu thêm ít nhất 1,5 triệu đồng/ngày.

Đoàn xe chở hàng chen nhau xếp hàng dài trước cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn.

Các mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80-90%) là hàng nông sản và thủy sản. Nhiều container nông sản trị giá tiền tỷ đã phải quay đầu, bán đổ bán tháo trước khi hàng hỏng để mong gỡ gạc lại cước phí vận chuyển.

Trước tình trạng này, các chuyên gia của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã gửi văn bản tới Thủ tướng đề xuất Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc với các địa phương để dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn nông dân trì hoãn thu hoạch (nếu có thể) hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, chờ giải phóng bớt hàng ùn ứ thì mới tiếp tục đưa hàng mới về cửa khẩu.

Đồng thời đề xuất lãnh đạo Chính phủ xem xét trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc để bàn giao theo đợt, giải phóng các xe hàng, container, tài xế đang “kẹt” tại cửa khẩu hai bên.

Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm tới các cơ quan phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông hoạt động giao thương qua các cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây tươi qua biên giới.

Tuy nhiên, hiện tình trạng ùn ứ vẫn chưa được tháo gỡ.

VinFast bàn giao xe điện mới

Ngày 25/12, VinFast bàn giao những chiếc ô tô điện VF e34 đầu tiên đến tay khách hàng. Lễ bàn giao được tổ chức tại nhà máy sản xuất ô tô của hãng tại Hải Phòng. Theo thông tin từ nhà sản xuất, khoảng 100 xe sẽ được bàn giao trong ngày hôm nay trong khi số còn lại sẽ tiếp tục được bàn giao trong quý I/2022. VinFast thông báo nhận 25.000 đơn đặt hàng cho mẫu SUV chạy điện này trong giai đoạn cho nhận đặt trước.

Những khách hàng đầu tiên nhận bàn giao xe VinFast VF e34.

Giá niêm yết của VinFast VF e34 là 690 triệu đồng. Ngoài ra, VinFast cũng thông báo tặng gói tính năng nâng cao tùy chọn trị giá 60 triệu đồng cho nhóm 25.000 khách hàng đặt trước sản phẩm, gồm các tính năng hỗ trợ người lái về an toàn, dẫn đường - điều hướng, cài đặt giới hạn địa lý... 

Khách hàng mua xe về sau sẽ phải trả tiền để sử dụng dịch vụ này. Hãng cũng công bố các chính sách liên quan đến sạc pin và cho thuê pin cho VF e34, gồm mức phí sạc xe tại các trạm sạc công cộng của VinFast là 2.834 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) - tương đương giá điện bậc 5 hiện tại. 

Như vậy, để sạc đầy khối pin dung lượng 42 kWh, người dùng phải trả phí 119.000 đồng (chưa tính thuế VAT) cho tầm hoạt động khoảng gần 300 km.

Hàng không xin tăng chuyến bay quốc tế

Cục Hàng không mới đây đề nghị tăng chuyến bay đến một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Cục Hàng không, giai đoạn từ tháng 1/2022 có thể xem xét tăng tần suất khai thác mỗi cặp thị trường là 7 chuyến/tuần.

Theo đánh giá, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, ước tính hơn 140.000 người nên các chuyến bay thương mại thường lệ chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của hành khách.

Cục Hàng không cho rằng cần thiết phải duy trì các chuyến bay đưa công dân về cơ sở cách ly quân đội và các chuyến bay đưa công dân về tự chi trả phí cách ly.

Đồng tình với quan điểm trên, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài cũng đánh giá cần bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.

Xăng lại tăng giá

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ 15h ngày 25/12.

Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON92 tăng 468 đồng; RON95 tăng 494 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel cũng tăng 245 đồng mỗi lít, dầu hỏa tăng 196 đồng mỗi lít. Tại kỳ này, chỉ riêng dầu mazut vẫn giữ nguyên giá.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON92 có mức giá bán tối đa là 22.550 đồng/lít; RON95 là 23.290 đồng/lít; dầu diesel 17.579 đồng/lít, dầu hỏa 16.518 đồng/lít; dầu mazut giữ nguyên 15.745 đồng/kg.

Như vậy, sau hai đợt giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã tăng trở lại.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng từ chiều nay 25/12.

Ngân hàng rục rịch thưởng Tết

Do chịu tác động lớn của dịch bệnh COVID-19 năm thứ hai liên tiếp nên thưởng Tết ngành ngân hàng năm 2022 được dự đoán không rôm rả như những năm trước, tuy nhiên không quá "bi đát" vì kết quả kinh doanh vẫn khả quan.

Hiện tại, ít nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần cho biết đã chốt phương án thưởng Tết Dương lịch 2022 với mức khoảng 1-1,5 tháng lương bình quân trong năm. Còn mức thưởng Tết Âm lịch thì hầu như chưa ngân hàng nào công bố do vẫn đang phải tính toán, cân nhắc.

Đại diện một ngân hàng nằm trong nhóm Big 4 tại Hà Nội tiết lộ, ngân hàng vẫn chưa công bố kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán nhưng nội bộ đã quyết định thưởng Tết Dương lịch 1 tháng lương, tương đương năm ngoái.

Một số ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng đã công bố tỷ lệ thưởng Tết Dương lịch là một tháng lương thứ 13 cho nhân viên. 

Trong khi đó, nhiều ngân hàng như VIB; VietinBank; LienVietPostBank; Techcombank…hiện vẫn chưa có thông báo về phương án thưởng Tết Dương lịch cũng như Âm lịch 2022.

Ngân hàng thưởng Tết Dương lịch bằng tháng thứ 13. (Ảnh minh họa)

Năm 2021, các tỷ phú đô la Việt có thêm gần 3 tỷ USD

Đầu tháng 4, Forbes công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2021, Việt Nam có 6 đại diện. Ở thời điểm đó, tổng tài sản của các tỷ phú Việt đạt 16,7 tỷ USD.

Ngày 23/12, Forbes thống kê tài sản của những tỷ phú này là 19,3 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD. Kết quả này đến từ việc giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng mạnh trong năm.

So với đầu năm, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 100 triệu USD, nâng quy mô tổng tài sản lên 7,4 tỷ USD. Tỷ phú Trần Đình Long với tài sản 3 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với đầu năm.

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang, nếu xét về mức độ tăng tài sản, là người đứng đầu trong 6 tỷ phú. Tài sản của ông Hùng Anh, chủ yếu liên quan đến TCB, tăng hơn 60% so với đầu năm. Còn ông Quang, chủ yếu liên quan đến MSN, tăng hơn 80%.

So với đầu năm, CEO Vietjet Air là người duy nhất giảm tài sản. Tài sản của bà Thảo, theo Forbes, giảm từ 2,8 tỷ USD xuống 2,5 tỷ USD. Diễn biến phức tạp của đại dịch tiếp tục giáng đòn mạnh lên ngành hàng không, khiến cổ phiếu VJC cũng không nằm ngoài xu hướng.

Trong khi đó, ông Trần Bá Dương và gia đình được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD.

"Cha đẻ" thương hiệu gạo ST25 kêu cứu

Ông Hồ Quang Cua, tác giả chính của giống lúa và gạo ST24, ST25 - thương hiệu đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 gửi đơn lên Tổng cục QLTT đề nghị được bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam.

Theo gia đình ông Hồ Quang Cua, trên bao bì của nhiều sản phẩm, có sử dụng dòng chữ mang ý nghĩa “The World’s Best Rice” (Gạo ngon nhất thế giới) mà tổ chức thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.

Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước dẫn đến khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc xử lý các hành vi được cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông Cua. 

Ông Hồ Quang Cua và giống lúa, gạo ST24, ST25.

EU kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam

Ủy ban châu Âu đăng công báo quy định bổ sung mặt hàng mì ăn liền vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại EU.

Dự kiến kể từ ngày 6/1/2022, mì ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (tổng cộng của cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide).

Do mì ăn liền là sản phẩm tổng hợp, trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật, sản phẩm cần thêm chứng thư từ Cục Thú y. Nếu thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) để lấy chứng thư.

Theo đó, đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với rau mùi là 50%, húng quế 50%, bạc hà 50%, rau mùi tây 50%, đậu bắp 50%, hạt tiêu 50%, thanh long 20% và mì ăn liền sẽ có tần suất kiểm tra 20%.

Thế Giới Di Động dự kiến thu 140.000 tỷ đồng năm 2022

Hội đồng quản trị Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 để trình cổ đông, với chỉ tiêu doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng.

Kế hoạch này được HĐQT đưa ra dựa trên giả định dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng không dẫn đến sự ngưng trệ do phong tỏa hoặc tác động trầm trọng hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh so với 2 năm vừa qua.

Nếu đạt được, đây sẽ là con số cao nhất mà doanh nghiệp ghi nhận trong lịch sử hoạt động. Nếu so với kế hoạch năm 2021, chỉ tiêu doanh thu cao hơn 12% và lợi nhuận tăng 34%.

CÔNG HIẾU

Tin mới