Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thị trường tuần qua: Hàng nghìn xe chở hàng ùn ứ , VinFast ra mắt ô tô mới ở Mỹ

(VTC News) -

Hàng nghìn container chở hàng bị ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc, VinFast sắp tung 3 mẫu xe hoàn toàn mới tại Mỹ… là tin thị trường nổi bật tuần qua 10-17/12.

Hàng nghìn xe chở hàng vạ vật chờ thông quan

Trong bối cảnh Trung Quốc siết thông quan cửa khẩu để phòng chống dịch COVID-19, khoảng 5.500 xe chở hàng đã bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc như: Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Kim Thành (Lào Cai).

Các xe hàng chủ yếu chở nông sản, hoa quả từ miền Trung và miền Nam ra, mỗi xe khi lên đến cửa khẩu nhanh nhất cũng phải 10 ngày mới thông quan được. Việc tắc nghẽn đã khiến nhiều xe hàng hóa bị hư hỏng, không còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều tài xế đã phải đổ bỏ hàng hỏng hoặc bán xả với giá rẻ để vớt vát vốn.

Ngoài ra, chủ xe phải bù lỗ cả triệu đồng mỗi ngày để chạy máy lạnh bảo quản hàng và trả chi phí cho lái xe, còn tài xế thì vạ vật chờ mà cũng chưa biết ngày nào được thông quan.

Ùn ứ xe chở hàng nông sản ở khu vực cửa khẩu Hữu Nghị.  

 

Thông tin với báo chí, ông Đinh Kỳ Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết, ngày 15/12, Trung Quốc thông báo dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị mới nguyên nhân do "lỗi kỹ thuật". Tình trạng dừng thông quan chở hàng sang Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Ở những lần trước thường dừng vài tiếng, nửa ngày hoặc 2-3 ngày là việc xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở lại bình thường. 

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã làm việc trực tiếp với Hải quan Trung Quốc, nước bạn cho biết, tình hình kiểm soát hàng hoá liên quan tới dịch bệnh là quy định chung cần phải thực hiện. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng kiến nghị 2 bên sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Ngoài việc hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, việc chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch và xây dựng các kho lạnh bảo quản hàng nông sản gần cửa khẩu là giải pháp được Bộ Công Thương khuyến cáo lúc này. 

VinFast sẽ ra mắt 3 mẫu xe điện hoàn toàn mới tại Mỹ

VinFast sẽ trình làng 3 mẫu xe hoàn toàn mới tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2022, từ 5-8/1/2022 tại Las Vegas, Mỹ.

Điểm nhấn của VinFast tại CES 2022 là dải xe điện hoàn chỉnh được công bố lần đầu tiên ra công chúng, với 5 mẫu xe phủ hầu hết các phân khúc thị trường. Trong đó, VinFast trình làng 3 mẫu xe hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trước đó thuộc phân khúc A-B-C. Hai mẫu xe còn lại thuộc phân khúc D và E đã được giới thiệu tại LA Auto Show vào tháng 11/2021.

Tất cả các mẫu xe VinFast tại CES 2022 được thiết kế hiện đại nhằm tối ưu tính năng khí động học, vừa tạo trải nghiệm thoải mái khi cầm lái, vừa đề cao sự duy mỹ, thể hiện được những nét cá tính độc đáo, tương ứng với từng phân khúc.

VinFast sẽ ra mắt 3 mẫu xe mới tại CES 2022.

Những dòng xe thông minh VinFast sẽ được trang bị các tính năng hỗ trợ lái nâng cao (ADAS) như hỗ trợ giữ làn, giảm thiểu va chạm, giám sát người lái, tự động đỗ xe và triệu tập xe thông minh...

Bên cạnh đó, các tiện ích thông minh (Smart Services) như điều khiển xe bằng giọng nói với ngôn ngữ tự nhiên, trợ lý ảo thông minh, kết nối các ứng dụng thương mại điện tử, dịch vụ...cũng sẽ đem đến những trải nghiệm di chuyển thú vị cho khách hàng.

VinFast cũng sẽ trình diễn nhiều tính năng thông minh được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư VinFast cùng các đối tác đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ ô tô.

Lo giá đất bị "thổi" sau vụ Tân Hoàng Minh trúng thầu 2,4 tỷ đồng/m2

Thông tin Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) với giá 24.500 tỷ đồng thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.

Mức giá này được ví là "không tưởng" vì vượt giá đất trung tâm quận 1, thậm chí vượt giá đất tại nhiều nơi được coi là đắt đỏ nhất trên thế giới.

Khu đất 3-12 được Tân Hoàng Minh mua đấu giá với mức hơn 2,4 tỷ đồng/m2. 

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, mức đấu giá cao ngất ngưởng này sẽ đẩy giá đất lên cao kỷ lục, ảnh hưởng đến mọi phân khúc nhà ở. Điều này khiến giấc mơ sở hữu nhà giá rẻ của người nghèo thêm xa vời. Bởi lẽ, xác lập giá đất 2,4 tỷ đồng/m2 đồng nghĩa với việc mặt bằng giá sẽ tăng đột biến, những căn hộ giá bình dân gần như đã “mất hút” thì nay có lẽ sẽ không còn.

Trong 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành và vướng mắc pháp lý kéo dài, thị trường TP.HCM gần như vắng bóng các sản phẩm nhà giá thấp. Nay giá đất lên cao kỷ lục hậu đấu giá đất Thủ Thiêm có thể càng khiến thị trường phân hóa mạnh về cực nhà giá cao, bỏ trống phân khúc nhà bình dân.

Việc giá đất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ tác động trực tiếp đến tất cả các phân khúc nhà ở trên thị trường theo quy tắc bình thông nhau (giá đất tăng và lan ra từ khu vực này sang khu vực khác, từ phân khúc cao sang phân khúc thấp).

Đầu tiên giá bất động sản hạng sang và siêu sang sẽ lập mặt bằng giá mới. Kế đến giá bán các phân khúc cao - trung cấp cũng leo thang. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất sẽ là phân khúc nhà thương mại giá rẻ và các kế hoạch bình ổn thị trường nhà giá thấp vì khi giá đất tăng cao đồng nghĩa với chi phí đầu vào của các dự án nhà ở sẽ đội lên đáng kể.

Hơn nữa, khi giá đất đấu giá tăng cao, thiết lập một mặt bằng giá mới cũng khiến việc bồi thường giá đất cho người dân sau này sẽ gặp nhiều rào cản.

Tuy nhiên, bất chấp nhiều ý kiến nghi ngại, sáng 17/12, Tân Hoàng Minh cùng 3 doanh nghiệp khác trúng đấu giá 4 lô đất vàng Thủ Thiêm vẫn ký hợp đồng mua tài sản với các cơ quan chức năng của TP.HCM.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ gần 13.000 tỷ đồng, muốn bán máy bay

Tại phiên họp đại hội cổ đông bất thường, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines - cho hay, năm 2021 dịch ảnh hưởng nặng nề hơn so 2020, hãng trình kế hoạch lỗ 12.907 tỷ đồng.

Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch đã khiến nhu cầu, tâm lý đi máy bay nội địa của hành khách giảm mạnh. Vận tải hàng không quốc tế chưa có điểm mới ngoại trừ chốt mở bay từ 1/1/2022. Đến nay, các đường bay quốc tế chỉ đạt khoảng 1,5-1,9% so với 2019.

Hãng dự báo hàng không nội địa sẽ phục hồi cuối 2023 với vận tải nội địa và 2024 thị trường bay quốc tế để quay trở về như thời điểm 2019. Giá vé bình quân giảm 15% so với 2020 và giảm 30% so với 2019.

Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia hiện có 104 máy bay, dư cả về thân rộng và hẹp. Năm 2022, hãng dư khoảng 8 tàu bay thân rộng và dư 20 tàu bay A321. Do đó, hãng sẽ tái cơ cấu đội máy bay và đàm phán các bên cho thuê nhằm hỗ trợ chi phí và đạt được kết quả tích cực. Hãng xây dựng bán máy bay nhằm mục tiêu giảm tàu bay và hiện đại hóa tàu bay thay thế tuổi lớn trên 12 năm. 

Bay quốc tế thường lệ từ 1/1/2022, người nhập cảnh được cách ly ở nhà

Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp về Kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Theo kế hoạch, bay thường lệ quốc tế sẽ bắt đầu từ 1/1/2022. 

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Cũng từ ngày 1/1/2022, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19, chỉ phải cách ly tại nhà, khách sạn, nơi lưu trú trong 3 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3. Nếu kết quả âm tính, từ ngày thứ 4 đến thứ 14, người nhập cảnh chỉ phải theo dõi sức khỏe thay vì phải cách ly tập trung 7 ngày sau đó như hiện nay.

Với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Những trường hợp này xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày.

Trong khi đó, người nhập cảnh dưới 18 tuổi (trẻ em), người từ 65 tuổi trở lên (người cao tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) theo quy định sẽ được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc (người chăm sóc).

Vingroup khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại Hà Tĩnh

Chiều 12/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Vingroup khởi công Nhà máy sản xuất pin VinES tại Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 1 với quy mô 8ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất pin VinES sẽ cung cấp pin Lithium dành cho các dòng ô tô điện và bus điện của VinFast. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ được triển khai xây dựng với quy mô là 8ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Toàn bộ hạ tầng của nhà máy gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo công suất 100.000Pack pin/năm. Giai đoạn 2 nhà máy sẽ mở rộng để sản xuất các tế bào pin và nâng cao công suất lên 1 triệu Pack pin/năm.

Nhà máy sản xuất Pin VinES sẽ là nơi sản xuất pin đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.

Việc xây dựng Nhà máy sản xuất Pin VinES cũng đánh dấu bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược pin “3 chân kiềng” của Vingroup - mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới; hợp tác với các đối tác để sản xuất các pin tốt nhất thế giới; tự nghiên cứu, phát triển sản xuất pin.

Phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào 2030

Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch điện VIII, và dự kiến phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và sẽ nâng lên khoảng 40.000 MW vào năm 2045. So với kịch bản tính toán đưa ra hồi đầu tháng 11 là 4.000 MW đến năm 2030, thì ở lần cập nhật này công suất điện gió ngoài khơi đã tăng 1.000 MW.

Trong 5.000 MW điện gió ngoài khơi mà Việt Nam sẽ phát triển đến năm 2030, miền Bắc sẽ phát triển 2.000 MW, miền Nam là 3.000 MW. Đến năm 2045, với công suất tăng trên 40.000 MW thì điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn.

Việt Nam có tiềm năng điện gió dồi dào với hơn 3.000 km đường biển.

Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100m đạt khoảng 9-10m/s. Nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới 110.000 MW.

Tuy nhiên, kế hoạch trong giai đoạn đầu chỉ phát triển 5.000 MW, do đó tiêu chí chọn dự án dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam với giảm phát thải.

Lý do việc chỉ phát triển 5.000MW trong giai đoạn đầu là thị trường điện gió hiện vẫn còn mới mẻ, bị ràng buộc bởi lưới truyền tải, nên Việt Nam chưa làm chủ và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.

Thaco xuất khẩu gần 1.000 sơmi rơmoóc sang Mỹ

Sáng 15/12, tại cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), Thaco xuất 870 sơmi rơmoóc cho đối tác PITTTS Enterprises, một trong những nhà sản xuất sơmi rơmoóc lớn tại Mỹ.

Bình quân mỗi tháng tiếp theo, công ty sẽ xuất khoảng 1.200 sơmi rơmoóc. Việc vận chuyển được thực hiện bởi hãng tàu quốc tế là Liberty Global Logistics (Mỹ) bằng tàu chuyên dụng RoRo.

Hai bên đã ký thỏa thuận độc quyền phân phối sơmi rơmoóc tại Mỹ. Tổng doanh số mà PITTS Enterprises cam kết phân phối trong 2 năm 2022-2023 là 40.500 sơmi rơ moóc có giá trị 565 triệu USD.

Để đáp ứng sản lượng lớn xuất khẩu tại Mỹ và sang các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Australia...,Thaco Industries sẽ đầu tư xây dựng mới nhà máy sơmi rơmoóc và cấu kiện nặng, công suất 20.000 sản phẩm mỗi năm với công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín gồm hàn robot, phun bi bề mặt, sơn nhúng tĩnh điện ED với chiều dài đến 18 m; sơn hoàn thiện tĩnh điện bột, dây chuyền lắp ráp, kiểm định và dự kiến đưa vào hoạt động tháng 6/2022.

Vietravel lỗ hơn 290 tỷ đồng nửa đầu năm

Tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 khiến Vietravel lỗ nặng. Chi phí tài chính của ông lớn ngành du lịch này trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh hơn 42% lên 65,6 tỷ đồng. Các chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ lên lần lượt 10,7 tỷ và 122,8 tỷ đồng. Do vậy, Vietravel ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 293,3 tỷ đồng.

Vietravel ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 293,3 tỷ đồng. 

Do chậm công bố báo cáo bán niên 2021 soát xét, cổ phiếu VTR của Vietravel đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện hạn chế, chỉ được giao dịch phiên thứ 6 kể từ ngày 8/12. Trước đó, mã này cũng bị dừng giao dịch 3 phiên từ ngày 3/12.

Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam

Ngày 11/12, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), được ra mắt, đánh dấu cột mốc mới trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

VNX ra đời sẽ thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường. Đặc biệt, sự ra đời của VNX sẽ thống nhất các mảng thị trường chứng khoán Việt Nam còn phân tán, từ đó tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán, hội tụ đủ tiêu chuẩn để hội nhập và liên kết quốc tế, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.

CÔNG HIẾU

Tin mới