Áp lực phải gồng gốc, lãi khi lãi suất ngân hàng gia tăng khiến một số nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ bất động sản khi người mua “ép giá”. Với họ, đây là cách để thu hồi lại vốn trước khi rơi vào tình trạng suy kiệt về tài chính trước khoản tiền nợ phải chi trả mỗi tháng.
50 triệu đồng là số tiền lãi hàng tháng mà chị Trần Mai Anh (Ba Đình, Hà Nội) phải trả mỗi tháng cho khoản đầu tư căn biệt thự gần chục tỷ đồng.
Hơn nửa năm nay, chị Mai Anh rao bán căn biệt thự này nhưng không có khách mua. Do mạo hiểm dùng đòn bẩy tài chính quá lớn khi vay tới 70% giá trị, nên 3 tháng nay, chị Mai Anh rất chật vật mới vay đủ số tiền lãi 50 triệu đồng kia.
Nhiều nhà đầu tư lo thoát hàng để trả nợ. (Ảnh minh hoạ).
Dự kiến đến hết tháng 12/2022, số tiền lãi chị phải trả sẽ tăng thêm khoảng 5% do hết chương trình ưu đãi lãi suất năm đầu tiên và lãi suất cho vay mua nhà hiện đã được một số ngân hàng điều chỉnh tăng.
Trong khi đó, công việc làm ăn của chị Mai Anh hiện đang gặp khó khăn khi doanh số bán hàng online thời trang nữ đang sụt giảm mạnh.
“Nếu không bán được đất thì khoản tiền lãi kia tôi không biết xoay sở ra sao. Tôi đã quyết định cắt lỗ 500 triệu đồng để bán căn biệt thự đầu tư cuối năm ngoái kia để bớt áp lực tài chính”, chị Mai Anh chia sẻ.
Nhận định về xu hướng bán cắt lỗ do chịu áp lực về tài chính này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, hiện nay, thị trường bất động sản có hiện tượng “ngộp” từ những người mua sử dụng đòn bẩy tài chính.
Thời gian tới, sức ép cho các chủ đầu tư là rất lớn. Giao dịch bất động sản cũng gặp nhiều sức ép khi việc tiếp cận tín dụng của các nhà đầu tư khó khăn.
Trước đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đã từng đưa ra nhận định về làn sóng giảm giá bất động sản trước đó. Ông Hiển cho rằng, đã có giao dịch ngầm mua lại bất động sản giá trị thấp.
Dự báo trong những tháng cuối năm, vị chuyên gia này nhận định, thanh khoản trên toàn thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt giảm mạnh ở những loại hình bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn.
Đáng chú ý là động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng đã khiến khả năng tiếp cận với dòng vốn từ ngân hàng càng thêm khó. Áp lực của những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính càng nặng thêm nên nhiều khả năng, làn sóng bán cắt lỗ vẫn tiếp diễn trong các tháng tới.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, ngoài việc khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, hiện nay, thị trường đang bị gia tăng thêm khó khăn khi lãi suất liên tục có xu hướng tăng.
“Nếu năm ngoái người mua đã sử dụng đòn bẩy tài chính, đến nay đã hết ưu đãi lãi suất và thả nổi theo thị trường thì mức chênh lệch lãi suất đang khoảng 4,5 - 5% so với thời điểm xuống tiền. Trước nguy cơ lạm phát ở một số nước trên thế giới hiện nay, mặc dù tỷ giá Việt Nam đang giữ khá tốt nhưng cũng khó tránh khỏi bị cuốn theo. Lãi suất từ giờ tới cuối năm vẫn được dự báo tăng, việc nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy không chịu được áp lực sẽ phải bán tháo”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, tình trạng bán tháo có thể xảy ra vào giai đoạn cuối năm, sẽ xuất hiện đầu tiên ở phân khúc đất nền. Đặc biệt là đất nền ở các tỉnh khi không có nhiều nhu cầu thực, chưa tạo được giá trị nhưng thời gian qua giá đã tăng nóng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc Hà Nội, thời “ép giá” bất động sản đã tới. Hiện tại, với bất động sản giá trị cao, đa phần là những nhà đầu tư đi “săn hàng”. Vì có sẵn tiềm lực tài chính, chấp nhận chồng đủ tiền mặt, họ biết sẽ có nhà đầu tư cần thoát hàng để trả nợ. Họ sẵn sàng ép giá thấp để mua.
Thực tế, những nhà đầu tư đi “săn hàng” đều trong tâm lý, rẻ mới mua vì thị trường đang có nhiều sự lựa chọn tốt do nhóm nhà đầu tư gánh nợ đang cần thoát hàng.