Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Theo chân 'cò' bệnh viện Từ Dũ, khoe có bác sĩ 'xịn' chữa hiếm muộn

(VTC News) -

Hầu hết các "cò" trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM dẫn bệnh nhân đến một phòng khám duy nhất và khoe ở đó có bác sĩ 'xịn' chữa hiếm muộn.

Sau thời gian dài theo dõi hoạt động của "cò" khám chữa bệnh tại khu vực Bệnh viện Từ Dũ, phóng viên VTC News phát hiện, hầu hết những người này chỉ đưa bệnh nhân đến một địa chỉ nằm gần bệnh viện.

 

Đầu tháng 2/2023, trong vai người dân đi khám hiếm muộn và mong muốn có con, chúng tôi được các xe ôm đứng trước cổng Bệnh viện Từ Dũ quảng cáo về phòng khám của bác sĩ Hiền, bác sĩ Ánh, bác sĩ Cảnh làm ở bệnh viện này. Nhóm xe ôm cũng liên tục hỏi han, chèo kéo nhiều người bệnh khác.

Sau khi tiếp cận và được chúng tôi gật đầu, người đàn ông khoảng 40 tuổi, da đen sạm, không đội mũ bảo hiểm lấy xe máy chở chúng tôi đến phòng khám. Ngồi trên xe, người đàn ông quảng cáo: “Mấy bác sĩ này làm ở Từ Dũ lâu rồi, mấy bà ấy là trùm luôn, không trùm sao mở phòng mạch được”.

 

Người đàn ông khẳng định, phòng khám này là của trưởng khoa ở Bệnh viện Từ Dũ. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi là trưởng khoa nào thì người đàn ông không trả lời được. 

Đi khoảng vài phút, chiếc xe dừng lại ở Phòng khám sản phụ khoa 70A Hùng Vương (phường 1, quận 10). Phòng khám này khá hẹp, chỉ rộng khoảng gần 3 mét. Trên bảng hiệu phòng khám không thể hiện số giấy phép hoạt động do cơ quan chức năng cấp.

Sau khi xe dừng lại, chúng tôi chưa kịp tháo mũ bảo hiểm, khẩu trang thì người đàn ông đã nhanh chân đi vào khu vực lễ tân của phòng khám để trao đổi với một phụ nữ và lấy thứ gì đó rồi đi ra. Bên trong, một số bệnh nhân từ TP.HCM và các tỉnh xa đến đợi khám.

Bước vào phòng khám, người phụ nữ mặc đồ ngành y, không đeo bảng tên nhận mình là bác sĩ Hiền hỏi han và tư vấn cho chúng tôi. Bà Hiền đề nghị chúng tôi làm siêu âm và soi cổ tử cung với số tiền 400.000 đồng.

 

Chúng tôi hỏi: “Bác sĩ ở đây là bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ hả chị?”. Bà Hiền trả lời: “Ở đây tụi em có mấy bác lận, đều chuyên khoa sản hết. Nếu chị muốn khám ở Từ Dũ phải đi bốc số từ 2 - 3 giờ sáng, còn chị đến trễ thì chiều mới khám được. Từ Dũ đông lắm, nó là bệnh viện đầu ngành mà”, bà Hiền nói.

Chúng tôi được bà Hiền hướng dẫn lên tầng 2 gặp bác sĩ Ánh để siêu âm, soi cổ tử cung. Vào phòng siêu âm, bà Ánh mặc đồ blouse trắng, không đeo bảng tên yêu cầu chúng tôi nằm lên giường để thăm khám. Theo quan sát của PV, các thiết bị y tế bên trong phòng khám có dấu hiệu gỉ sét, không đảm bảo vệ sinh.

Chúng tôi hỏi bà Ánh: “Bác sĩ Ánh làm ở Bệnh viện Từ Dũ hả?”. Bà Ánh trả lời: “Tôi nghỉ hưu rồi, nghỉ hưu được 6 năm. Ở đây trước khi điều trị vô sinh hiếm muộn thì chúng tôi sẽ thực hiện xét nghiệm nội tiết và cho dùng thuốc kích thích trứng”.

Theo bà Ánh, các bác sĩ ở đây làm thuê cho chủ phòng khám. Bác sĩ trong phòng khám này đến từ nhiều nơi như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Quốc tế…

 

Bà Ánh chia sẻ, phòng khám này nói thật, khám thật, không “vẽ vời” bệnh nhân. Để củng cố niềm tin của chúng tôi, bà Ánh cho biết, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ trước đây hiện làm Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chính là “sếp” cũ của bà. 

Khi siêu âm, bà Ánh kết luận, tôi đã từng sinh con nên vẫn có khả năng mang thai tiếp. Tuy nhiên, do nội tiết giảm nên khả năng mang thai sẽ chậm lại và khả năng thành công cũng thấp hơn.

Sau khi được bà Ánh khám xong, chúng tôi được bà Hiền tư vấn, kê đơn, bán thuốc với số tiền là 1,1 triệu đồng. Tuy nhiên, do tiền mặt trong túi không đủ nên chúng tôi chỉ mua 600.000 đồng và hẹn đến tháng 3/2023 tái khám.

Theo lịch hẹn, ngày 8/3, chúng tôi quay lại phòng khám nói trên và gặp bà Hiền để tư vấn, tái khám. Bà Hiền yêu cầu chúng tôi xét nghiệm nội tiết, khám phụ khoa với số tiền 3 triệu đồng (đã bao gồm phí tái khám 200.000 đồng).

Sau khi đóng 3 triệu đồng tiền khám, chúng tôi tiếp tục được giới thiệu lên tầng 2 gặp người phụ nữ tên Lệ. Người này cũng mặc áo blouse trắng, không đeo bảng tên và thực hiện siêu âm, soi cổ tử cung, khám phụ khoa. Ngoài ra, bà Lệ cũng lấy mẫu máu cho tôi để làm xét nghiệm vô sinh hiếm muộn.

Bà Lệ thăm khám xong, chúng tôi xuống tầng dưới để bà Hiền kê đơn thuốc. Cầm trên tay hộp thuốc Fertiwins, bà Hiền nhắn nhủ, chúng tôi uống loại thuốc này thì khả năng có con sẽ cao hơn.

Bà Hiền thông báo, tổng tiền thuốc phải mua là 3 triệu đồng, bao gồm một đơn thuốc 600.000 đồng và một đơn thuốc 2,4 triệu đồng. Tuy nhiên, với lý do không mang đủ tiền, chúng tôi chỉ lấy 1,4 đồng tiền thuốc rồi ra về.

Như vậy, sau 2 lần khám đầu tiên tại Phòng khám sản phụ khoa 70A Hùng Vương, chúng tôi đã tốn 5,4 triệu đồng.

Chúng tôi thắc mắc, tại sao bác sĩ Chu Thị Cảnh - người chịu trách nhiệm chính tại phòng khám không có mặt thì bà Hiền giải thích, bác sĩ Cảnh rất bận, phải "chạy sô" nhiều nên đôi khi 2 - 3 ngày mới tới phòng khám một lần. Công việc khám chữa bệnh chủ yếu để những người khác làm.

 

Trong tháng 4 và tháng 5/2023, chúng tôi đã nhiều lần quay trở lại khu vực cổng Bệnh viện Từ Dũ và vẫn được "cò" ở đây tư vấn và chở đến Phòng khám 70A Hùng Vương. Với bài quen thuộc, các "cò" đều quảng cáo nhân viên phòng khám này là bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ, thậm chí "cò" còn khẳng định bà Hiền, bà Cảnh là những trưởng khoa tại bệnh viện.

 

Theo quan sát của PV, mỗi ngày "cò" chở hàng chục khách đến Phòng khám 70A Hùng Vương. Khách đến phòng khám có độ tuổi đa dạng, từ trẻ đến già. Bệnh nhân chủ yếu đến từ các tỉnh phía Nam.

Lần nhập vai này, chúng tôi tiếp cận với các nhân viên phòng khám và đặt câu hỏi “bác sĩ có làm ở bệnh viện Từ Dũ không?” thì những người này thể hiện thái độ khó chịu, nóng nảy với chúng tôi. Bà Hiền - người tự nhận mình là bác sĩ đã không còn mặc đồ của ngành y, thay vào đó là chiếc áo thun thường nhật. Bà này vẫn ngồi ở tầng trệt "thăm khám, tư vấn" cho bệnh nhân.

Trên tầng 2, bà Ánh và bác sĩ Chu Thị Cảnh vẫn thực hiện kiểm tra hiếm muộn. Khi vào nhà vệ sinh để chuẩn bị siêu âm, thiết bị của chúng tôi đã ghi nhận cuộc trao đổi giữa hai người phụ nữ này.

Nó hỏi bác sĩ có phải làm ở Từ Dũ không, bác để ý nha. Em ghét câu đó nhất, xe ôm cũng nói cảnh giác nữa”, bà Ánh nói.

Bà Ánh e dè việc siêu âm cho chúng tôi nhưng được bác sĩ Cảnh trấn an: “Thôi, kệ nó đi. Hai đứa này nó đã đóng tiền rồi, siêu âm luôn đi”.

Khi từ nhà vệ sinh đi ra, chúng tôi được bà Ánh thực hiện thao tác siêu âm. Tuy nhiên, bác sĩ Cảnh - người chịu trách nhiệm chính tại phòng khám chỉ ngồi từ xa quan sát và nhìn kết quả siêu âm trên màn hình.

 

Để làm rõ những thông tin liên quan đến phòng khám 70A Hùng Vương, phóng viên VTC News đã liên hệ với bác sĩ Chu Thị Cảnh nhưng bà cho biết, bà không trao đổi qua điện thoại và yêu cầu chúng tôi đến phòng khám để làm việc.

Tuy nhiên, khi phóng viên đến phòng khám và gọi điện thoại cho bác sĩ Cảnh thì người này không nghe máy. Các nhân viên thông báo không có bác sĩ Cảnh tại phòng khám.

 

Bà Hiền, nhân vật đầu tiên mà chúng tôi tiếp cận khi thực hiện phóng sự này đã không còn mặc trang phục của ngành y tế, thay vào đó là một bộ áo váy bình thường.

Chúng tôi thông báo có hẹn gặp bác sĩ Cảnh thì bà Hiền gằn giọng: "Tôi không có nghĩa vụ gì phải tiếp anh chị hết. Có gì anh chị cứ liên hệ với công an phường của tôi. Tôi không tiếp là quyền của tôi. Tôi không có nghĩa vụ phải tiếp anh, anh hiểu không. Không có quy định nào bắt tôi phải tiếp anh hết. Anh là phóng viên, tôi thích tiếp thì tôi tiếp, tôi không thích thì tôi không tiếp, mời anh về. Để tôi gọi cho công an xuống".

"Xin mời anh chị ra ngoài dùm tôi để tôi nói chuyện với công an. Tôi không có nghĩa vụ phải tiếp anh chị ở đây. Tôi không muốn anh chị ngồi đây. Tôi là chủ ở đây và tôi có quyền. Tôi mời anh chị ra ngoài, tôi không tiếp mấy người. Tôi yêu cầu anh chị bước ra ngoài...", bà Hiền tiếp tục nóng giận và không cho phóng viên ở lại phòng khám.

NHÓM PV

Tin mới