Những năm gần đây, thể thao thành tích cao ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội. Chỉ cần thi đấu nỗ lực và đảm bảo thành tích, các vận động viên sẽ nhận được nhiều khoản thưởng từ nguồn xã hội hoá, cùng với đó là thứ tài sản “vô hình” từ người hâm mộ. Chính mức độ lan toả của những màn trình diễn đỉnh cao khiến giá trị về hình ảnh của VĐV tăng lên đáng kể.
VĐV đổi đời nhờ thành tích cao
Tại SEA Games 32, những bước chạy thần tốc của Nguyễn Thị Oanh và cách cô vượt qua nghịch cảnh từ lịch thi đấu khiến nữ VĐV trở thành từ khoá hot nhất suốt thời gian Đại hội diễn ra. Nguyễn Thị Oanh nhận được hàng chục hợp đồng quảng cáo, những khoản tiền thưởng lớn. Vô địch Đông Nam Á không phải cột mốc mới, nhưng cách Nguyễn Thị Oanh giành lấy vinh quang lại là câu chuyện mới.
Nguyễn Thị Oanh nhận nhiều khoản thưởng lớn.
Trước đó, bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games nhiều lần, nhưng hình ảnh các cô gái kim cương được công chúng biết tới nhiều hơn khi họ giành vé dự World Cup nữ 2023. Đạt đến đẳng cấp thế giới, Huỳnh Như và đồng đội chẳng còn phải lo nghĩ nhiều đến chuyện tiền bạc.
Tiền đạo sinh năm 1991 có khoản tiền lo cho cuộc sống cá nhân. Cô vừa xây cất căn nhà mới cho bố mẹ ở quê nhà Trà Vinh với giá 2 tỷ đồng. Huỳnh Như cũng có thể tự tin nói với phụ huynh rằng: “Bố mẹ cứ ở nhà nghỉ ngơi, cuộc sống của mọi người để con lo”. Đó là ước mơ rất đỗi đời thường, nhưng chưa bao giờ dễ dàng với cầu thủ nữ.
Họ nỗ lực có được thành tích, thành tích ấy đủ tốt để được cả xã hội quan tâm thì phần thưởng nhận lại hoàn toàn xứng đáng. Ngay trước khi lên đường dự World Cup, đội tuyển nữ Việt Nam nhận thêm nhiều tỷ đồng tiền thưởng.
Ngay trong sáng 22/7, kết quả 0-3 trước đội tuyển nữ Mỹ tuy vẫn là một thất bại nhưng đội tuyển nữ Việt Nam cho thấy tinh thần thi đấu quả cảm, quyết tâm vượt lên chính mình dù đối thủ là nhà đương kim vô địch World Cup nữ 2023. VFF lập tức chi số tiền 800 triệu đồng thưởng cho thầy trò HLV Mai Đức Chung.
Những khoản đầu tư cho tương lai
Rõ ràng, thể thao thành tích cao vẫn là một kênh marketing không thể xem thường. Khoản đầu tư cho các vận động viên vẫn giúp doanh nghiệp có thể hướng tới mục cống hiến cho xã hội, vừa có thể quảng bá hình ảnh.
Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên, đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup hay U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018 là những trường hợp tiêu biểu nhất. Cũng chính từ sức lan toả mang tính cộng đồng, các doanh nghiệp có thể nhìn thấy tiềm năng lớn.
Đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu quả cảm trước đội tuyển nữ Mỹ.
Cách đây 1 năm, khi SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà, Bộ Văn Hoá - Thể thao và Du Lịch phối hợp cùng nhiều doanh nghiệp gây các quỹ ủng hộ, đầu tư cho VĐV thể thao thành tích cao.
Sáng kiến “Việt Nam thắng vàng” nhận được 5 tỷ đồng từ doanh Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Số tiền này được chi cho các hoạt động tập luyện, chuẩn bị cho ASIAD 19 và Thế vận hội Olympic 2024. Doanh nghiệp này chi thêm gần 3 tỷ đồng thưởng cho các VĐV ở SEA Games 32.
Bà Venus Teoh Kim Wei, Phó tổng giám đốc SABECO phụ trách marketing, khẳng định: “Chúng ta không thể thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam mà không có các vận động viên. Họ là những người đại diện cho Việt Nam tại các giải đấu quốc tế và những vận động viên đoạt giải luôn là nguồn cảm hứng to lớn với tất cả mọi người, khơi gợi lòng tự hào dân tộc. Vì vậy chương trình hỗ trợ của chúng tôi tập trung vào sự phát triển của các vận động viên nhằm mang đến những gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam.”