24h: Việt Nam, Thái Lan chào đón năm mới 2021
Pháo hoa chào năm mới ở TP.HCM, Việt Nam.
Video: Biển người Nhà Hát Lớn chờ đợi khoảnh khắc đếm ngược chào năm mới
Không khí chào đón năm mới tại Nhà Hát Lớn, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Không khí đón năm mới tại Thái Lan
Thái Lan đón năm mới 2021.
Video: Pháo hoa đón năm mới ở Thái Lan
23h: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia bước sang năm mới 2021
Màn trình diễn ánh sáng hoành tráng đón năm mới ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
Cuộc sống của người dân Vũ Hàn - thành phố từng là tâm điểm dịch COVID-19 của thế giới dường như đã bình thường trở lại. (Ảnh: Reuters)
Lễ hội ánh sáng mừng đón mừng năm mới của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Người dân tụ tập đón năm mới ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Pháo hoa tại Đài Loan.
Quảng trường Jakarta không bóng người trong đêm giao thừa
Tại Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, một quảng trường tại trung tâm thủ đô Jakarta không một bóng người, dù thời khắc bước sang năm mới đang đến gần.
Chính quyền Jakarta trước đó đã áp dụng các biện pháp ngăn các sự kiện đón năm mới cũng như cấm tụ tập đông người. Có tới 94 con đường và cơ sở công cộng trên toàn thành phố bị đóng cửa hoặc hạn chế ra vào trong đêm giao thừa.
Quảng trường vắng bóng người ở thủ đô Jakarta, Indonesia trong đêm giao thừa. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó tại Singapore, do màn trình diễn pháo hoa mừng năm mới bị hủy vì đại dịch, người dân đã tập trung tại Vịnh Marina để xem lễ hội ánh sáng.
Lễ hội ánh sáng mừng năm mới 2021 ở Vịnh Marina, Singapore. (Ảnh: Reuters)
22h00: Nhật Bản gióng chuông đón năm mới
Vào thời khắc giao thừa, tất cả các ngôi chùa ở Nhật Bản gióng lên 108 tiếng chuông truyền đi khắp đất nước để xua đuổi tà ma và chào mừng năm mới. Trong đó, 107 tiếng chuông đầu tiên được đánh vào đêm 31/12, tiếng chuông cuối cùng được đánh vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Con số 108 trượng trưng cho sự gột rửa, thanh tẩy 108 ham muốn dục vọng tội lỗi của con người. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đền, chùa Nhật Bản hạn chế giờ mở cửa để tránh tình cảnh đông đúc như các năm trước.
Lễ đánh chuông chào năm mới tại chùa Sensoji, Nhật Bản.
Bước sang năm mới 2021, Thủ tướng Nhật gửi thông điệp đầu năm tới người dân của ông.
"Tôi muốn một năm mới thật hạnh phúc cho tất cả các bạn", Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga viết trong thông điệp năm mới, dẫn theo Văn phòng Thủ tướng. "Ngay cả trong những ngày nghỉ của Năm Mới, các chuyên gia y tế đang nỗ lực hết mình để chống lại virus suốt ngày đêm tại các cơ sở y tế, trung tâm y tế công cộng và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành một lần nữa đến tất cả những người có liên quan", ông nói.
Ông Suga cho biết chính phủ cam kết bảo vệ cuộc sống, sinh kế của người dân, ngăn chặn dịch bệnh và tiến tới phục hồi kinh tế, tạo ra một xã hội mới cho kỷ nguyên hậu COVID-19. “Xanh” và “kỹ thuật số” sẽ là nguồn tăng trưởng mới cho đất nước Nhật Bản, ông cho biết.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.
Hàn Quốc vắng tanh người trên phố
Do Hàn Quốc đang áp đặt các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt nên các con phố ở Seoul và nhiều thành phố vắng bóng người qua lại.
Năm nay cũng là năm đầu tiên lễ rung chuông Bosingak vào đêm giao thừa tại Seoul cũng bị hủy bỏ kể từ năm 1953. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể chứng kiến buổi lễ rung chuông "ảo" trên trang web của thành phố.
Người dân Hàn Quốc đón chào năm mới trên núi Namsan, Seoul. (Ảnh: Reuters)
Một con đường vắng tanh ở Seoul trong đêm giao thừa. (Ảnh: Reuters)
21h45: Đông Á đón giao thừa trong lo âu
Các ca nhiễm COVID-19 mới ở thủ đô Tokyo đạt mức cao kỷ lục là 1.337 vào ngày 31/12 và các lễ kỷ niệm đã phải tạm dừng khi nước này phải đối mặt với làn sóng thứ 3 của đại dịch.
Video: Triều Tiên bắn pháo hoa đón năm mới
Theo truyền thông địa phương, trên toàn quốc, lần đầu tiên các ca mắc mới vượt qua con số 4.000. Nhiều chuyến bay cũng bị hủy do tuyết rơi dày đặc ở một số khu vực của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã kêu gọi mọi người đón năm mới một cách nhẹ nhàng và tránh những chuyến đi chơi không cần thiết.
Người dân ở Hàn Quốc cũng sẽ phải sử dụng "kết nối điện tử" đối với các lễ kỷ niệm Năm mới, vì chính phủ duy trì các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt bao gồm lệnh cấm tụ tập đông người.
Lễ rung chuông hàng năm vào đêm trước năm mới tại Bosingak Pavilion ở Jongno, trung tâm Seoul cũng được thực hiện trực tuyến, vì Chính quyền thủ đô Seoul chính thức hủy bỏ sự kiện trực tiếp lần đầu tiên sau 67 năm.
Truyền thống xem mặt trời mọc đầu tiên trong năm cũng có thể được thay thế bằng cách phát trực tiếp cảnh mặt trời mọc từ các đài truyền hình vì chính phủ quyết định mở rộng lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên trên toàn quốc.
Một nghi lễ chuẩn bị cho năm mới tại Tokyo. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, tại Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ có bài phát biểu đầu năm mới. Triều Tiên cũng đã trải qua một năm khó khăn bởi đại dịch, nhưng chưa ghi nhận ca mắc bệnh nào theo số liệu chính thức.
Pháo hoa đón giao thừa 2021 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên
Vùng Viễn Đông Nga đón năm mới bằng màn pháo hoa rực rỡ
Người dân thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông Nga đón năm mới 2021 vào lúc 21h ngày 31/12 (giờ Hà Nội).
Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Vladivostok trong thời khắc chuyển giao. (Ảnh: Reuters)
21h30: Tổng thống Putin kêu gọi nước Nga đoàn kết
Trong bài phát biểu chào mừng năm 2021, Tổng thống Putin khẳng định năm 2020 vừa qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nước Nga vẫn tự tin vượt qua.
"Chúng ta cũng đã đón năm mới cách đây đúng một năm. Tất nhiên tôi, các bạn, cũng như mọi người trên khắp thế giới đều nghĩ và mơ về những thay đổi tốt đẹp. Nhưng không ai có thể tưởng tượng được những thử thách mà chúng ta phải trải qua. Thật khó khăn cho mỗi chúng ta với sự lo lắng, khó khăn về vật chất, những mất mát về sự ra đi của người thân", ông Putin nói.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Nga, năm 2020 cũng gắn liền với hy vọng vượt qua nghịch cảnh, mối quan hệ chân thành giữa người với người, tình bạn và sự tin tưởng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)
Cũng trong bài phát biểu, ông Putin tin tưởng người Nga có thể cùng nhau "vượt qua mọi thứ" và "khôi phục cuộc sống bình thường".
Thừa nhận làn sóng COVID-19 thứ hai đang tàn phá đất nước, ông chủ điện Kremlin kêu gọi người dân "không lùi bước khi đối mặt với khó khăn để duy trì sự đoàn kết".
21h00: Nữ hoàng Anh chúc mừng năm mới
Trong thông điệp năm mới trên mạng xã hội, Nữ hoàng chúc những người theo dõi một năm mới với hạnh phúc và sức khỏe, và nhắc nhở mọi người về thời điểm thách thức của đại dịch COVID-19.
Thông điệp viết: “Chúng ta nên cảm thấy an ủi rằng mặc dù chúng ta có thể còn phải chịu đựng nhiều hơn nữa, nhưng những ngày tốt đẹp hơn sẽ trở lại: chúng ta sẽ trở lại với bạn bè của mình; chúng ta sẽ trở lại với gia đình của mình; chúng ta sẽ gặp lại".
Đây cũng là những lời trong bài phát biểu của bà trước nước Anh vào tháng 4/2020, khi Vương quốc Anh đang ở trong đỉnh điểm đầu tiên của đại dịch.
20h50: Anh hủy bắn pháo hoa
Sự kiện bắn pháo hoa đêm giao thừa trên sông Thames hàng năm ở London năm nay bị hủy vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tháp đồng hồ Big Ben vẫn sẽ sẽ điểm 12 tiếng vào khoảnh khắc giao thừa.
Trước đó, chính phủ Anh phát động chiến dịch kêu gọi người dân đón năm mới an toàn tại nhà để tránh dịch bệnh lây lan. Người dân cũng được khuyến cáo tránh các bữa tiệc đông người vì "COVID-19 yêu thích đám đông".
Sẽ không có màn trình diễn pháo hoa nhưng tháp đồng hồ Big Ben vẫn sẽ "lên tiếng".
Pháp áp lệnh giới nghiêm đêm giao thừa
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho hay nước này sẽ triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh khắp cả nước vào đêm 31/12 để thi hành lệnh giới nghiêm từ 20h, nhằm ngăn dân chúng tụ tập đông người đêm giao thừa. Lực lượng này cũng túc trực trên đường phố để đảm bảo an ninh, trong bối cảnh Pháp đang đối mặt với nguy cơ khủng bố cao.
20h00: Australia sang năm mới, pháo hoa rợp trời
Video: Pháo hoa chào năm mới 2021 tại Sydney, Australia
Màn trình diễn pháo hoa ở Sydney vẫn sẽ diễn ra trong năm nay, nhưng bị rút xuống còn 7 phút và đám đông bị cấm tụ tập, thay vào đó họ phải xem ở nhà. Cảnh sát đang tuần tra tại nhà hát Opera Sydney, một địa điểm bắn pháo hoa. Các hạn chế COVID-19 tại nước này được thực thi sau đợt bùng phát dịch mới ở Sydney.
Cảnh sát Australia đi tuần tại Sydney.
19h00: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu mừng năm mới
"Năm 2021 sắp tới. Từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, xin gửi lời chúc năm mới tới tất cả các bạn", Chủ tịch Tập Cận Bình mở đầu bài phát biểu nhân dịp năm mới phát sóng trên truyền hình nhà nước Trung Quốc.
Nhấn mạnh 2020 là một năm khác thường khi thế giới phải đối phó với đại dịch, ông Tập khẳng định người dân Trung Quốc "đã viết nên một bản hùng ca" về cuộc chiến chống lại đại dịch.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu mừng năm mới tại Bắc Kinh hôm nay. (Ảnh: Xinhua News)
Nhà lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi các nhân viên y tế, quân đội, các nhà khoc học, các tình nguyện viên đã lăn xả trong nỗ lực đương đầu với dịch bệnh.
Theo ông Tập, bất chấp những khó khăn mà dịch bệnh gây ra, Trung Quốc vẫn hoàn thành Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và đang tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14.
"Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới đạt được mức tăng trường dương trong năm 2020 và GDP trong năm 2020 dự kiến sẽ bước lên tầm cao mới, 100 nghìn tỷ NDT", ông cho hay.
Chủ tịch Tập liệt kê hàng loạt thành tựu khoa học của Trung Quốc trong năm nay như phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa, tàu vụ trụ khám phá Mặt trăng, chạm tới một trong những điểm sâu nhất của Trái đất.
Cũng theo ông Tập, Trung Quốc đã mạnh mẽ vượt qua đợt lũ lụt nghiêm trọng trong năm nay và giảm thiểu thiệt hại do thảm họa này gây ra. Ông Tập nhắc tới "thành tích lịch sử" của Trung Quốc là xây đựng một xã hội thịnh vượng trên mọi phương diện và thành công trong công cuộc xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực. Hướng tới tương lai, ông Tập khẳng định mục tiêu của Trung Quốc là tiếp tục xây dựng một đất nước hiện đại, giàu mạnh.
Cuối bài phát biểu, ông Tập chúc đất nước và người dân có một năm thuận hòa, suôn sẻ, vạn sự như ý, hạnh phúc ngập tràn.
18h46: New York chuẩn bị đón giao thừa
Thành phố New York, nơi có Quảng trường Thời đại cùng lễ hội ánh sáng thường niên vào đêm giao thừa hàng năm, chuẩn bị cho lễ countdown.
New York thử nghiệm thả hoa giấy trước đêm giao thừa. (Ảnh: New York Times)
Quảng trường Thời đại là một trong những điểm tổ chức lễ đón năm mới nổi tiếng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vào năm nay, người dân sẽ theo dõi các hoạt động đêm giao thừa qua truyền hình và mạng Internet, thay vì đến tận nơi như các năm trước.
Video: Thử nghiệm quả cầu ánh sáng ở Quảng trường Thời đại, New York cho đêm giao thừa
Sự kiện hạ quả cầu pha lê vẫn diễn ra, hoa giấy vẫn được thả, nhưng chỉ một ít khách mời được đến dự trực tiếp, theo New York Times. Trong buổi tiệc đón năm mới 2021, ban tổ chức dự kiến thả một tấn hoa giấy từ mái các tòa nhà xung quanh quảng trường Thời đại.
Sở Cảnh sát New York đã thông báo việc phong tỏa đường phố để tổ chức buổi tiệc đón năm mới. Từ 15h ngày 31/12 (giờ địa phương), nhiều khu vực sẽ không cho xe cộ qua lại.
Video: Lễ hội đếm ngược ở Quảng trường Thời đại, New York năm 2020
18h30: Pháo hoa đón 2021 ở New Zealand và Australia
Auckland đã chào đón năm 2021 bằng một màn bắn pháo hoa sau khi New Zealand đẩy lùi COVID-19 một cách hiệu quả. Màn trình diễn tuyệt đẹp đánh dấu một trong những màn bắn pháo hoa lớn nhất trong năm mới.
Màn trình diễn pháo hoa rực rỡ tại tháp Sky Tower ở khu bến cảng Auckland, New Zealand.
Video: Pháo hoa đón năm mới tại New Zealand
Tại Sydney - thành phố lớn nhất của Australia, do dịch lan rộng nên giới chức khuyến cáo mọi người ở nhà và tránh tới cầu cảng để theo dõi màn bắn pháo hoa nổi tiếng lúc nửa đêm. Các hạn chế cũng được đưa ra ở phía nam bang Victoria.
Cầu Cảng Sydney vắng vẻ hơn rất nhiều so với thời điểm này các năm trước. Người dân Sydney được yêu cầu ở nhà và xem pháo hoa trên truyền hình năm nay. (Ảnh: Mick Tsikas / AAPA)
18h00: Khung cảnh đìu hiu ở cầu cảng Sydney
Khung cảnh đón giao thừa vắng vẻ ở Australia. (Ảnh: Twitter)
Thông thường, khoảng một triệu người tập trung ở cầu cảng Sydney và các đường phố xung quanh để xem pháo hoa đêm Giao thừa. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù vẫn có pháo hoa nhưng sẽ không có đám đông tụ tập để chiêm ngưỡng một trong những khoảnh khắc được mong đợi nhất năm.
Pháo hoa ở New Zealand chào đón năm mới.
New Zealand bước sang năm mới
Quần đảo Chatham với 700 người sinh sống của New Zealand sẽ bước sang 2020 đón năm mới vào 17h15 giờ Hà Nội. Tới 18h, phần lớn New Zealand sẽ đón chào năm mới.
Người dân tập trung ở khu bến tàu Auckland ở thành phố Auckland (New Zealand).
17h: Samoa và Kiribati đã chào đón giao thừa
Video: Pháo hoa đón năm mới 2021 ở Samoa
Đảo quốc Samoa ở Thái Bình Dương và một phần của Kiribati là những nơi đầu tiên trên thế giới đã bước sang năm 2021. Năm nay hai nơi này cũng không có nhiều hoạt động đón năm mới quy mô lớn, trong bối cảnh COVID-19, nước biển dâng vì biến đổi khí hậu.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang tạm biệt năm 2020 tại Quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ. (Ảnh: Zuma Press / PA Images)
Trung tâm thương mại của Samoa ở thủ đô Apia đang phải vật lộn để phục hồi sau bão, doanh thu ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Kiribati cũng đóng cửa với khách du lịch do COVID-19 và không có pháo hoa để đánh dấu năm mới.
(Ảnh minh họa)
Khắp thế giới đang chuẩn bị cho một đêm giao thừa chưa từng có, theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực - với các lệnh phong tỏa, hạn chế và giới nghiêm được áp dụng ở hàng chục quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, khi các đợt tiêm chủng bắt đầu được triển khai.
“Chúng tôi biết đã là cuối năm, thời điểm mà mọi người theo truyền thống muốn ăn mừng. Nhưng điều tối quan trọng là năm nay, mọi người tiếp tục làm theo hướng dẫn bằng cách ở nhà và không tập trung đông người", Giáo sư Stephen Powis, phụ trách y tế quốc gia Anh phát biểu đại diện cho chính phủ, trong thời điểm Vương quốc Anh vừa phát hiện biến thể mới của COVID-19 với khả năng lây nhiễm cao gấp nhiều lần.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc và “đón năm mới an toàn ở nhà”.
Trong khi đó, nước Pháp hàng xóm đã thông báo sẽ triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh để hạn chế bớt các bữa tiệc, việc tụ tập các hình thức ăn mừng vào ngày 31/12.
Những thời khắc cuối cùng của năm 2020 dần qua đi, một năm với những biến cố chưa từng thấy, trong đó đại dịch đã và đang thay đổi sâu rộng nhiều mặt đời sống kinh tế xã hội. Nhưng những nỗ lực quốc tế đã giúp phát triển vaccine trong thời gian kỷ lục, và nhiều ứng cử viên vaccine bước vào giai đoạn phê duyệt và phân phối.
Đảo Giáng sinh và Samoa sẽ là những nơi đầu tiên trên thế giới đón năm mới. Theo giờ Hà Nội, đó sẽ là vào lúc 17h. Sau đó, 2021 sẽ gõ cửa New Zealand, Australia lúc 19-20h.
Tại thành phố lớn nhất của Australia, Sydney, mọi người đã được yêu cầu ở nhà và tránh màn bắn pháo hoa nổi tiếng lúc nửa đêm bên bến cảng. Các hạn chế cũng đã được đưa ra ở phía nam bang Victoria.
Nhưng ở New Zealand, quốc gia đã cố gắng loại bỏ COVID-19 sau một đợt phong tỏa chặt chẽ kéo dài bảy tuần, các kế hoạch đêm giao thừa vẫn đang được tiến hành.
Các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bắt đầu đón năm mới vào 22-23h. Đón năm mới cùng lúc với Việt Nam có những người hàng xóm Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan.
Các thành phố lớn ở Đài Loan đã thu nhỏ các sự kiện đêm Giao thừa và kêu gọi mọi người xem pháo hoa và các lễ hội khác ở nhà, sau khi hòn đảo phát hiện ca đầu tiên liên quan đến biến thể COVID-19 mới.
Các nước châu Âu và Mỹ sẽ là những nơi đón năm mới 2021 muộn nhất.
Quả cầu đêm giao thừa ở Quảng trường Thời đại vẫn sẽ được thả nhưng chính quyền thành phố New York đã thông báo rằng quảng trường Thời đại sẽ không mở cửa cho công chúng. Những người có nhu cầu xem sự kiện có thể xem trực tuyến qua màn hình.
Trong một năm mà đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói trong thông điệp năm mới rằng thế giới nên làm việc cùng nhau "trong sự đoàn kết", để "những tia hy vọng có thể vươn xa”.
Ông Guterres nêu thêm một số vấn đề của năm vừa qua như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, tình trạng mất việc làm, một số ngành gặp khó khăn, nợ nần chồng chất, những ảnh hưởng đến trẻ em, tình trạng bạo lực gia tăng trong gia đình và tình trạng bất an.
Nhưng vào thời điểm một năm mới đang ở phía trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định: “Mọi người đang mở rộng vòng tay giúp đỡ những người hàng xóm và những người xa lạ; những người làm việc ở tiền tuyến cống hiến hết mình; các nhà khoa học phát triển vaccine trong thời gian kỷ lục; và các nước đưa ra các cam kết mới để ngăn chặn thảm họa khí hậu”.
Tất cả là "một phần của quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững và toàn diện”, ông nói.