Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thầy giáo quân hàm xanh mắc trọng bệnh vẫn 'cõng' chữ ra đảo

Mặc dù mắc trọng bệnh nhưng thầy giáo trẻ vẫn xin ra đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) công tác và vận động 22 học sinh thường xuyên đến trường.

Trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2017 – Tuyên dương chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường, nhiều chiến sĩ đã chia sẻ những câu chuyện về việc dạy chữ, vận động quần chúng đến lớp học khiến mọi người rất xúc động.

Thượng úy Trần Bình Phục (Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Cà Mau) đã huy động kinh phí và duy trì lớp học tình thương với 22 cháu học sinh. Ngoài ra, anh còn nhận dạy nuôi 3 cháu mặc dù đang mắc trọng bệnh.

  64 thầy giáo 'quân hàm xanh' được vinh danh.

Từ bỏ những nơi thuận lợi hơn cho điều trị bệnh của mình, anh Phục chọn đảo Hòn Chuối làm nơi công tác.

Anh chia sẻ: “Năm 1997, tôi có dịp đi công tác tại đảo Hòn Chuối. Khi đó, hình ảnh những đứa trẻ đầu trần, chân trần và đặc biệt là các em đều không biết đọc, biết viết khiến tôi cảm thấy xót xa. Tôi quyết định xin ra đây công tác để làm điều gì đó giúp các em bớt khổ, bớt khó khăn hơn”.

Dù đang bệnh, nhưng thượng úy Phục vẫn cố vượt đường dài ra Hà Nội để tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Thượng úy Phục cho biết: “Trong 7 năm qua, tôi đã cõng học trò vượt hàng trăm ghềnh đá để lên lớp học tại đảo Hòn Chuối. Đến nay, tôi duy trì lớp học tình thương với 22 học sinh và trực tiếp nuôi dạy 3 cháu”.

Video: Thầy giáo công an điển trai dạy guitar cho trẻ em khiếm thính

Thượng úy Giàng A Trú (Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, Lào Cai) xúc động nói: “Tôi làm công tác vận dạy chữ cho 3 xã biên giới thuộc địa bàn quản lý. Tại đây, tôi nhận đỡ đầu chăm sóc 2 em dân tộc Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi đưa các em vào đồn, tôi đã nhận làm cậu để hướng dẫn, dạy chữ dễ hơn”.

Ngoài nhiệm vụ chính trị đơn vị giao, thượng úy Trú còn tham gia trực tiếp giúp đỡ, chăm sóc 2 cháu (lớp 2 và lớp 4). Hằng ngày, anh còn đưa 2 cháu đi học.

Vì cũng là người dân tộc Mông nên anh Giàng A Trú tiếp cận các cháu dễ dàng, hơn. Sau thời gian sống trong đơn vị, 2 cháu được các chiến sỹ ở đây xem như người trong nhà.

Là một phiên dịch viên tại đồn Biên phòng Thông Thụ (Nghệ An), thượng úy Nguyễn Văn Trinh cho biết, học trò là người dân nước bạn Lào. Anh đã trực tiếp biên soạn và dạy hơn 100 học viên.

“Qua 3 năm triển khai, hiện tôi đang dạy 3 lớp trên 110 em. Khi tổ chức lớp học, tôi nhận thấy cuộc sống của các em còn nhiều khó khăn. Các em người dân tộc Mông biết tiếng Lào còn hạn chế, trường lớp bằng tranh tre dột nát, mùa mưa đường xá lầy lội đi lại vất vả. Giáo án, tài liệu không có, phải tự mày mò và học hỏi kinnh nghiệm từ các giáo viên có kinh nghiệm” - thượng úy Trinh cho hay.

Thượng úy Trinh hy vọng hoàn thành tốt nhiệm vụ là giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường và đặc biệt, tô thắm tình hữu nghị Việt – Lào.

Năm 2017, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm tuyên dương gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường cũng như xóa mù chữ ở vùng biên giới và hải đảo.

Sau 2 tháng phát động chương trình,ban tổ chức đã nhận được hàng trăm hồ sơ của các cán bộ,chiến sỹ Bộ đội Biên phòng có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban thanh niên Quân đội dã lựa chọn ra được 60 gương mặt tiêu biểu đến từ 44 tỉnh, thành phố.

Đối tượng tuyên dương là cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tham gia hoặc đã từng tham gia dạy học, xóa mù chữ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Tổ quốc có nhiều đóng góp trong việc vận động nguồn lực giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước tới trường.

Lưu Ly

Tin mới