Vào năm 2020, câu chuyện bi thảm đằng sau cái chết của nam giáo viên họ Song được chia sẻ trên một chương trình truyền hình Hàn Quốc đã gây xôn xao không ngớt. Song Gyeong-jin - vị giáo viên dạy ở một trường trung học tỉnh Bắc Jeolla với 32 năm trong nghề, từng được mọi người kính trọng đã bị biến thành kẻ quấy rối và đẩy đến bờ vực của tuyệt vọng chỉ vì một lời nói dối của nữ sinh.
Tất cả bắt đầu từ quy tắc của trường trung học cơ sở Hàn Quốc: Học sinh phải tắt điện thoại trong các buổi học. Tuy nhiên, vào một ngày nọ, nữ sinh A. bị thầy Song phát hiện sử dụng điện thoại trong lớp. Thầy Song đã nổi nóng và trách mắng A. trước cả lớp. Nữ sinh cảm thấy xấu hổ nên đã hét lên rồi bật khóc, bỏ chạy khỏi lớp.
Khi đó, thầy Song đã níu tay học trò, ông không ngờ hành động đó khiến ông trả giá bằng cả mạng sống của mình sau này.
Quy tắc trong các lớp học Hàn Quốc nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.
Bỏ học trở về nhà, nữ sinh A. sợ bị bố mẹ mắng nên đã nghĩ ra lý do đầy tai hại. Cô đã nói với bố mẹ rằng bị thầy Song quấy rối tình dục. Cha mẹ của A. đã ngay lập tức đệ đơn lên cảnh sát địa phương. Cô nữ sinh đã viết ra một bản tường trình giả, liệt kê những việc mà thầy Song đã gây ra cho cô và một số học sinh khác.
Do đó, ngày hôm sau, các nhà chức trách đã đến trường và bắt đầu thẩm vấn các học sinh và ông Song. “Thầy đánh chúng em, dùng tay chạm vào cơ thể chúng em” - các học sinh cho biết.
Một phân cảnh trong câu chuyện được dựng lại trên đài truyền hình Hàn Quốc.
Mãi đến khi nhận ra rằng mọi thứ đã đi quá xa với việc cảnh sát vào cuộc, nữ sinh A. đã quyết định nói ra sự thật.
A. thú nhận rằng không có gì thực sự xảy ra với cô và các học sinh khác, chỉ là em không muốn bị thầy Song phạt. Cảnh sát ngay sau đó đã khép lại vụ án mà không cần điều tra thêm.
Thật không may, Hội đồng giáo dục tỉnh Bắc Jeolla lại không muốn bỏ qua vụ việc này. Mặc dù học sinh A., bạn bè và phụ huynh đều cam kết rằng ông Song không làm gì sai, nhưng Hội đồng giáo dục vẫn tiếp tục vào cuộc điều tra sâu thêm.
Hội đồng giáo dục đã gây sức ép buộc thầy Song phải thừa nhận mình có lỗi. Các nhà chức trách giải thích rằng, học sinh của thầy Song có thể bị điều tra và thậm chí bị trừng phạt vì tội vu khống nếu ông tiếp tục phủ nhận hành vi quấy rối, bởi vì như vậy đồng nghĩa với việc học sinh của ông là những người nói dối.
Thầy Song trong nỗ lực để bảo vệ học sinh của mình, đã quyết định nhượng bộ và nói rằng "Chắc chắn đã có sự hiểu lầm", như thừa nhận đã vô ý quấy rối học sinh.
Đơn kháng cáo cho thầy Song của các học sinh gửi lên Hội đồng giáo dục.
Ngay sau đó, Hội đồng giáo dục đã tuyên phạt thầy Song một thời gian quản chế. Báo chí Hàn Quốc bắt đầu đưa tin về vụ việc "một giáo viên cấp hai có đầu óc bệnh hoạn ở vùng nông thôn Hàn Quốc lợi dụng học sinh nữ của mình" và cư dân mạng đã đổ dồn những bình luận ác ý tấn công thầy Song.
Chán nản với thực tế rằng mình đã bị đóng khung là một tội phạm, thầy Song cuối cùng đã tự kết liễu cuộc sống trong nhà để xe tại tư gia. Gia đình thầy Song sau đó đã cố gắng kiện Hội đồng Giáo dục, nhưng vụ việc nhanh chóng bị kết thúc với việc khởi tố "không tìm thấy căn cứ chính đáng" để điều tra Hội đồng giáo dục.
Thầy Song đã tự kết liễu đời mình vì không chịu được áp lực dư luận.
Sự việc thương tâm này của thầy Song vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi ở tỉnh Bắc Jeolla, nơi ngôi trường tọa lạc. Ủy ban Giáo dục Bắc Jeolla kể từ đó đã bị chỉ trích nặng nề vì xử lý tình huống không tốt. Cư dân mạng Hàn Quốc không chỉ đổ lỗi cho lời nói dối vô trách nhiệm của nữ sinh A. mà còn cả cuộc điều tra vô lý của Hội đồng giáo dục gián tiếp gây ra cái chết của thầy Song.