Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thầy giáo người Việt mở trường phổ thông tại Mỹ

(VTC News) -

Không thi học sinh giỏi, không đoạt giải Olympic hay bất kỳ thành tích đặc biệt nào, nhưng Hoàng Vỹ đỗ thạc sĩ Đại học Stanford và mở trường tư của người Việt ở Mỹ.

Thầy Hoàng Vỹ trong buổi trao bằng tốt nghiệp cho học sinh.

Thầy giáo từ khu ổ chuột

Vỹ từng nhận học bổng toàn phần bậc phổ thông ở London (Anh) năm lớp 10, sau đó tốt nghiệp cử nhân Toán tại Imperial College London. Mùa hè năm 2008, chàng cử nhân bay từ Anh sang Mỹ thăm chị gái. Chuyến đi là cơ duyên đưa anh trở thành giáo viên vì đúng dịp trường trung học Sam Houston bang Texas tuyển người.

Hoàng Vỹ được nhận vào dạy môn Toán tại ngôi trường khu ổ chuột - nơi đa phần học sinh quan trọng việc “ngày mai ăn gì” hơn là “làm sao để đạt điểm A”. Ngày đầu lên lớp, anh kinh ngạc khi một lớp 20 học sinh nữ thì hơn nửa trong số đó đang có bầu hoặc có con. Có học sinh mới 17 tuổi đã 3 con, và điều đó được coi là bình thường ở đây. Ngôi trường khi đó cũng sắp bị đóng cửa vì 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức "không thể chấp nhận".

Vượt qua rất nhiều khó khăn, cuối năm học đó, 98% học sinh do Hoàng Vỹ kèm cặp vượt qua bài thi cuối cấp. Sau 4 năm, anh giúp gần 600 học sinh vào đại học, trong đó nhiều em từng là học sinh yếu, kém. Năm học 2009 - 2010, anh được chọn là giáo viên xuất sắc nhất trường và trở thành trưởng bộ môn Toán trẻ nhất lịch sử trường Sam Houston.

Với mong muốn đạt vị trí cao hơn để có sức lan tỏa nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục, Hoàng Vỹ học thạc sĩ chuyên ngành giáo án và huấn luyện giáo viên tại Đại học Stanford danh tiếng.

“Vào đó, sinh viên hầu như đều là thần đồng. So với người ta, mình không là gì hết. Tôi được trường nhận có lẽ vì đam mê, hoài bão rõ ràng về giáo dục”, Vỹ kể.

Học sinh trường phổ thông Van Houston trong lễ tốt nghiệp.

Làm điều không tưởng: Mở trường trên đất Mỹ

Vào Đại học Stanford, Vỹ hoàn toàn thay đổi tư duy: Học để kiểm tra hay kiếm bằng? Triết lý của Stanford gói gọn ở câu “miễn có động lực bên trong, bạn sẽ học tốt”. Một tuần, Vỹ đọc 300 trang sách nhưng chỉ để nói chuyện trao đổi kiến thức với giáo sư chứ không phải phục vụ bài thi.

Sau khi có bằng thạc sĩ, Vỹ mở trường phổ thông Van Houston theo mô hình after school (dạy phụ đạo sau giờ học và luyện thi SAT cuối tuần).

Trước Vỹ, chưa từng có người Việt nào mở trường trên đất nước Mỹ vì các điều kiện rất khó khăn. “Thị trường giáo dục phổ thông công lập ở Mỹ lâu đời và quá mạnh, còn mình quá mới và non trẻ, chưa kể tôi còn gặp bất lợi khi không phải người bản địa, không có khối tài sản khổng lồ”, Vỹ nói.

Các trường công ở Mỹ có lịch sử lâu đời, được Chính phủ đầu tư hàng trăm triệu đô la, rất đẹp, miễn học phí, lại có cơm trưa, có hệ thống xe bus đưa đón, trong khi trường của Vỹ khuôn viên nhỏ, học sinh phải tự túc bữa trưa. Tất cả khiến chàng trai người Việt lo lắng trong công tác tuyển sinh.

Ban đầu, trường chỉ có 2 giáo viên và 8 học sinh. Nhờ các biện pháp kết nối bạn bè, quan tâm điều kiện của từng học sinh, nên cuối năm đó, số học sinh tăng lên 20.

Hoàng Vỹ chụp ảnh cùng gia đình.

Dạy được 2 năm, dịch COVID-19 ập đến, toàn nước Mỹ bị phong tỏa, Vỹ phải cho học sinh về trường công học, do trường anh chưa đủ cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức dạy học online. Vài tháng sau, ngôi trường đóng cửa do không đủ chi phí vận hành.

Khi dịch bệnh tạm lắng, Vỹ “đánh liều” mở trường trở lại, kêu gọi giáo viên trước đây về cùng vực lại trường. Điều bất ngờ là học sinh cũ quay lại gần hết, và còn giới thiệu thêm anh chị, người quen vào học. Cuối năm đó, số học sinh tăng lên gần 70, đa số là con em gia đình Mỹ gốc Việt.

Về kiến thức, trường theo kim chỉ nam “Dạy để các em hiểu, chứ không phải để hoàn thành chương trình”, và đặt mục tiêu tối thiểu 80% học sinh trong lớp hiểu được bài, nắm vững kỹ năng, không học theo kiểu “nhồi sọ”. Vỹ cũng mở một lớp học đặc biệt dạy tiếng Việt, dành cho học sinh từ mẫu giáo đến hết cấp hai.

Năm 2021, khi các hoạt động đi vào ổn định, Vỹ lại “đánh liều” đi vay ngân hàng 10 triệu USD mua đất xây trường khang trang. Lòng yêu nghề, yêu học sinh và hoài bão của Vỹ thuyết phục được chủ tịch và hội đồng quản trị ngân hàng. Tháng 6/2022, Vỹ được rót tiền và khởi công xây dựng trường VHA.

Cùng năm này, trường được thanh tra toàn diện và thẩm định cấp chứng nhận Cognia. Với chứng nhận này, bảng điểm của trường được công nhận khắp nước Mỹ cũng như thế giới. Năm 2023, trường lần đầu tiên được cấp phép tuyển du học sinh từ Việt Nam, với 20 em.

8x gốc Việt nhấn mạnh, điều gì tốt nhất cho học sinh anh sẽ làm, chứ không phải tốt nhất cho việc kinh doanh.

Cô Baha - Hiệu phó trường VHA nhận xét, Vỹ không chỉ là ông chủ mà là nguồn cảm hứng, người cố vấn tận tâm cho giáo viên và học sinh. “Anh có sự thích nghi ngoài tầm hiểu biết và thân thiện khó ai sánh được”, cô nói.

Còn cô Shelly Tavera, giáo viên dạy đọc và viết lớp 5 tại trường cho hay, cô chưa bao giờ gặp một người có tình yêu đối với việc giảng dạy, và lòng trắc ẩn đối với học sinh, giáo viên như thầy Hoàng Vỹ.       

Lệ Thu

Tin mới