Sáng 9/11, đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở chính thức được thông xe nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, tình trạng ùn tắc lại càng trở lên nghiêm trọng hơn, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện ùn ứ kéo dài.
Trả lời VTC News, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao là do "đường Trường Chinh đẹp, lượng phương tiện và người tham gia giao thông vào giờ cao điểm rất lớn. Các điểm từ đường Lê Trọng Tấn, Tôn Thất Tùng đều đổ về đường Trường Chinh, đây là những khu vực đông người".
Ngoài ra, theo ông Hiệp, ý thức người tham gia giao thông chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc.
"Trong thời gian thí điểm, lực lượng CSGT chưa xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông. Theo quy định sau 7 ngày, việc xử lý vi phạm giao thông được thực hiện, cùng với việc có thêm hệ thống biển báo và hệ thống tín hiệu giao thông thì tình trạng ùn tắc chắc sẽ ổn hơn", ông Hiệp nhận định.
Đường Trường Chinh ùn tắc kinh hoàng sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao.
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, các phương tiện khi đi trên Vành đai 2 trên cao sẽ chạy nhanh hơn, tập trung vào 2 nút Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở dẫn đến ùn tắc.
Trước tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội đã lập tức chỉ đạo điều chỉnh, tổ chức lại giao thông trên đường Trường Chinh, trước tiên là tổ chức lại giao thông ở 2 nút này.
"Cụ thể, nút Ngã Tư Sở, chúng tôi tổ chức cho các hướng đi, một hướng đi từ Tây Sơn rẽ trái về Trường Chinh và đi thẳng về Nguyễn Trãi đã cấm, các phương tiện phải rẽ phải, đi cắt qua đường Láng rồi vòng ngược lại. Qua 3 ngày, nút giao thông tại Ngã Tư Sở tương đối ổn định, cơ bản đã khắc phục được tình trạng ùn tắc kéo dài".
Đối với nút giao thông Ngã Tư Vọng, theo ông Hiệp, các đơn vị liên quan đã xén giải phân cách giữa để mở rộng nút quay đầu trên đường Trường Chinh, đồng thời điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông ở nút ngã tư này.
"Chúng tôi đã làm hết các giải pháp để giảm tải ùn tắc ở 2 nút Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, đồng thời điều chỉnh lại đèn tín hiệu giao thông, tăng thêm 20 giây đèn xanh và giảm 20 giây đèn đỏ", ông Cao Văn Hiệp cho hay.
Đây là phương án tổ chức giao thông của Sở GTVT Hà Nội, tuy nhiên trong 10 ngày thí điểm kể từ khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, Sở GTVT vẫn tiếp tục theo dõi để điều chỉnh kịp thời.
"Khi giao thông đã ổn định hẳn thì đây sẽ thành phương án cứng, nhưng đây cơ bản là phương án chính thức để giải quyết được vấn đề ùn tắc ở đường Trường Chinh và thông xe đường trên cao Vọng – Mai Dịch. Mục tiêu là giảm tối thiểu sự ùn tắc kéo dài. Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh 2 đến 3 nhịp đèn ở giờ cao điểm là người tham gia giao thông sẽ qua được luôn", ông Hiệp Khẳng định.
Trước nhiều ý kiến cho rằng đường tắc hơn khi thông xe cầu vượt Vành đai 2, ông Hiệp nói "chỉ là số ít".
"Do người dân chưa quen cách tổ chức giao thông mới. Ví dụ hướng đi từ Tây Sơn quay về đường Trường Chinh, bình thường rẽ trái là tới nhưng bây giờ phải đi rẽ phải vào đường Láng rồi vòng ngược lại nên sẽ mất một ít thời gian, nhưng đối tượng này rất ít. Vấn đề chính ở đây là giải quyết nút giao cho tổng thể. Người tham gia giao thông đi từ Tây Sơn về Nguyễn Trãi và từ Nguyễn Trãi đi đường Láng, Trường Chinh bình thường, không có vấn đề gì cả, tác động rất là ít", Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nói.
Ông Hiệp cho biết thêm, trong phương án xây dựng, hướng từ Vành đai 2 trên cao nối cầu Vĩnh Tuy chạy thẳng lên hết đường Vành đai 2, qua đường Láng và về tới Cầu Giấy, Võ Chí Công là mạch khép kín, hiện nay đang làm từng giai đoạn.
Giai đoạn 2 triển khai bắt đầu từ Ngã Tư Vọng đi lên hết Cầu Vĩnh Tuy, đến ngày 15/11 tiếp tục thực hiện. Giai đoạn 3 từ Ngã Tư Sở tới Cầu Giấy.