“Nhàn cư vi… cuồng sắm”
Ngày cuối cùng của đợt cách ly xã hội thứ hai (22/4), Hoài – 34 tuổi, nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội – than với bạn bè: “Mong đừng kéo dài cách ly nữa để được lên công ty làm, chứ ở nhà tốn kém quá”.
Mới nghe có vẻ ngược đời, vì từ khi làm việc ở nhà, Hoài tự nấu ngày 3 bữa cho cả gia đình nên riêng khoản tiền ăn đã tiết kiệm được khá nhiều. “Trước đây bữa trưa hai vợ chồng ăn ngoài, tối nhiều khi bận quá cũng mua đồ nấu sẵn. Chưa kể mình thích tụ tập bạn bè, cứ cà phê hoặc lẩu nướng suốt, lắm lúc lười đội mũ bảo hiểm thì gọi taxi” – Hoài kể.
Thời gian này tiếng là làm việc ở nhà nhưng công ty ít việc nên Hoài rất rảnh rỗi. Ngoài phục vụ chồng con, nữ nhân viên marketing này giải khuây bằng cách lướt mạng ngắm hàng hóa, rồi tiện tay đặt đủ thứ: Quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm.
Hoài bảo: “Hồi đầu cứ tưởng cách ly xã hội thì những loại hàng không thiết yếu này không ship được, hóa ra cứ đặt là họ mang đến luôn. Thật tai hại, ở nhà mà chi tiêu tháng này đã nhiều hơn tháng trước khoảng 5 triệu rồi”.
Thu Loan, nhân viên truyền thông nội bộ của một công ty công nghệ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, than: “Trời ơi em không dừng lại được. Em cứ mua một món đồ là facebook lại chìa ra trước mặt em bao nhiêu món khác còn hay ho hơn. Mẹ mắng may em đang ế, chứ chồng con rồi mà thế này thì hết tiền sữa bỉm”.
Ở nhà lâu ngày, nhiều người giải khuây bằng việc mua sắm online.
Thành tích mua sắm của cô gái 27 tuổi trong đợt cách ly xã hội là một bộ dưỡng trắng da giá 1,9 triệu đồng, 3 lọ thực phẩm chức năng giúp trắng da, bổ sung chất chống lão hóa, cải thiện tình trạng đau dạ dày tổng cộng 2,1 triệu đồng, 5 cái quần short đủ màu hết 540 nghìn đồng, một set khăn bông đủ kích cỡ 650 nghìn đồng, bộ chảo chống dính nhập khẩu giá khuyến mãi 1,3 triệu đồng…
“Còn một lốc kem đánh răng siêu làm trắng của Đức đang trên đường vận chuyển nữa” – Loan chia sẻ kèm theo biểu tượng mặt mếu.
Không chỉ phụ nữ, các quý ông cũng bị cuốn theo cơn nghiện mua sắm do rảnh rỗi trong đợt cách ly xã hội. Anh Thành Hưng (quận 5, TP.HCM) tốn hơn 4 triệu đồng cho mấy cái tạ và dụng cụ tập thể thao, gần 7 triệu cho cây đàn guitar mới vì “ở nhà luyện nhiều mới thấy đàn nhà mình chưa đủ tốt”.
“Tiền ăn cũng mất hơn 3 triệu nữa. Ăn cơm vợ nấu mãi cũng nhàm, thấy có mấy nhà hàng đồ Tây nhận phục vụ online, mang đến tận nhà nên 2 lần tôi đặt món, có lần thêm chai vang để thay đổi không khí. Khoản này vợ bảo xa xỉ, vợ không chi nên tôi đành phải rút ví thôi”, anh Hưng kể.
Giải pháp “cắt cơn”
Ngay cả nếu lệnh cách ly toàn xã hội được nới lỏng sau 22/4, chắc chắn người dân vẫn được khuyến cáo hạn chế ra đường khi không cần thiết để ngăn dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, để không trở thành con nghiện mua sắm online, bạn cần “thủ” sẵn một số bí quyết.
Đặt ra giới hạn chi tiêu: Bạn có thể cho phép mình mua sắm chút đỉnh cho đỡ buồn, nhưng phải hạn định số tiền và dừng lại khi “hết quota”.
Ghi chép chi tiêu là một cách hãm đà mua sắm.
Trì hoãn 1 ngày khi định mua một món đồ: Thường ai cũng muốn mua ngay khi thấy món đồ hấp dẫn, nhưng nếu để 1 ngày sau mới quyết định, nhiều khả năng bạn sẽ thấy không nhất thiết phải mua nữa. Nếu lúc đó bạn vẫn thấy cần thì “xuống tiền cũng chưa muộn”.
Tự hỏi mình mấy câu: Mình có thật sự cần món đồ này không? Nếu không mua nó thì có sao không? Tháng này mình chi hết bao nhiêu tiền rồi? Sau mấy câu hỏi đó, bạn sẽ có quyết định đúng.
Ghi lại mọi khoản chi tiêu: Cách này “xưa như Trái đất” nhưng luôn luôn hiệu quả. Chưa cần cộng tổng số, chỉ cần thấy hàng loạt gạch đầu dòng kèm số tiền hiện ra trong bảng chi tiêu là đủ để bạn “chùn tay” và cân nhắc hơn khi mua đồ.
Bạn chi tiêu thế nào trong thời gian cách ly xã hội và có bí quyết tiết kiệm nào không? Hãy chia sẻ ở box bình luận dưới đây.