Di tích Đình làng Túy Loan, Đà Nẵng là công trình có tuổi đời hơn 500 năm. Theo sử liệu, Đình làng Túy Loan được xây dựng lần đầu vào khoảng năm 1470. Đến năm 1787, đình được trùng tu lần đầu. Năm 1888, đình bị cháy và được xây dựng lại ở mảnh đất bên cạnh dòng sông Túy Loan. Qua nhiều lần thay đổi, Đình làng Túy Loan hiện nay được xây dựng dưới thời vua Thành Thái năm Canh Tý (1900). Từ đó đến nay, đình làng Túy Loan thường xuyên được tu tạo nhưng vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc ban đầu.
Đình làng Túy Loan được xây trong khuôn viên rộng hơn 8.000m2, vị trí đẹp, trước mặt là dòng sông Túy Loan xanh mướt uốn lượn. Đình làng Túy Loan là công trình có giá trị điển hình về mặt kiến trúc, bao gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm được nối liền liên tục từ trước ra sau. Đây là nơi thờ 5 vị tiên hiền của các tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần và Lê. (Ảnh: Danangfantasticity)
Bước qua cổng tam quan là đến các trụ biểu cùng bình phong, được xem như là một tam quan nội của đình. Bức bình phong được tạo theo kiểu cuốn thư, cao 3m, rộng 2m. Mặt trước bình phong đắp nổi hình long mã, mặt sau đắp nổi hình con lân và tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ. Hai bên bình phong có các trụ biểu với những câu đối.
Hằng năm, vào dịp “xuân kỳ, thu tế”, từ ngày 11-12/8 âm lịch, người làng Túy Loan tổ chức lễ tế đình để tỏ lòng biết ơn các vị tiên hiền đã có công khai khẩn lập làng và cầu mong quốc thái dân an. Đặc biệt, năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Đình làng Túy Loan là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đến nay, Đình làng Túy Loan còn lưu giữ 25 sắc phong do triều Nguyễn ban tặng, 1 tấm văn bia niên đại Thành Thái thứ nhất (1889) và nhiều Hoành Phi, liễn đối đã trên dưới 100 năm. Những sắc phong lưu giữ tại đình chỉ được mở ra bởi người được phong kiêm thủ sắc thần, nghĩa là người phải tốt về nhân cách, gia đình thuận hòa, con cái hiếu nghĩa và thường chỉ mở vào dịp đại lễ.
Bước vào trong nội điện và hậu tẩm là nơi thờ cúng, gồm bàn thờ chính và bàn thờ bên tả, bên hữu. Hai bên còn có tả ban, hữu ban. Gian giữa có bàn thờ hội đồng cao hơn các bàn thờ khác, trên bàn có cặp hạc chầu, hai bên có hai dãy lỗ bộ.
Kiến trúc Đình làng Túy Loan rất đặc trưng với phần nóc có 4 mái, đầu nóc bên tả hình gia thu, bên hữu hình cuốn thư. Bờ nóc chính là lưỡng long tranh châu, bờ nóc phụ thể hiện lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu hiên thể hiện hình rồng và tất cả trên mái đều trang trí bằng sành sứ.
Theo bảng diễn thuyết trước đình ghi lại: “Đình làng Túy Loan là một công trình có giá trị điển hình về mặt kiến trúc. Nó bao gồm tiền đường chính điện và hậu tẩm, được nối liền liên tục từ trước ra sau. Tiền đường có kiểu kết cấu hỗn hợp, vừa có liên kết rường, vừa có liên kết kèo phần giữa của các vì, tức liên kết giữa hai cột cái (cột nhất) là liên kết rường theo kiểu thức chồng rường giả thủ. Từ hai cột cái tỏa về hai phía trước và sau là các thanh kèo nối với các cột quân tạo nên kiểu kết cấu thượng rường hạ kèo. Phía đầu hồi từ cột cái tỏa ra các kèo đấm, quyết để tạo thành hai chái như các công trình có vì kèo truyền thống. Trong kiến trúc đình làng Đà Nẵng, kiểu kiến trúc này tuyệt nhiên không tìm thấy ở bất cứ ngôi đình nào khác... Như vậy có thể khẳng định rằng đình Túy Loan là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị nổi bật nhất ở Đà Nẵng”.
Trải qua hơn 500 năm, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình làng Túy Loan được tôn tạo, gìn giữ gần như vẹn nguyên. Đình là nơi thờ cúng tín ngưỡng tâm linh, mang giá trị lịch sử to lớn về kiến trúc, lịch sử.