Hành khách tới sân bay Rzeszow ở Đông Nam Ba Lan hầu như không nhận ra rằng trung tâm viện trợ quân sự quan trọng nhất cho Ukraine đã được thiết lập ở đây. Cách xa nhà ga sân bay dân sự, 50 quốc gia ủng hộ Ukraine đã thiết lập một doanh trại quân sự dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Phía sau hàng rào sân bay, NATO cũng đã xây dựng một tuyến phòng thủ lớn để bảo vệ biên giới phía Đông của liên minh bằng hệ thống phòng không Patriot.
Khu vực sân bay nhỏ của Ba Lan từng được quân đội nước này sử dụng nay đã trở thành “Pháo đài Knox” trong việc hỗ trợ cho Ukraine. Sân bay này chỉ cách biên giới Ba Lan-Ukraine một giờ lái xe.
Hệ thống rocket di động được sử dụng ở miền Đông Ukraine. Ảnh: DPA
Trung tâm bảo trì ở biên giới Ba Lan-Ukraine
Trên bộ, hoạt động hậu cần là điều không thể coi nhẹ. Người ta liên tục phát hiện xe vận tải quân sự trên các tuyến đường trong khu vực. Những người di chuyển nhiều bằng ô tô ở Đông Nam Ba Lan cho biết, hầu như không ngày nào không bắt gặp những người lính mặc đồng phục trên những chiếc xe tải dân dụng tranh thủ nghỉ ngơi tại các khu vực dừng nghỉ trên đường cao tốc. Tuy nhiên, cách thức viện trợ của phương Tây đến được với quân đội Ukraine ở mặt trận là một trong những bí mật được giữ kín nhất của cuộc chiến này.
Việc khu vực sân bay ở biên giới Ba Lan trở thành điểm trung tâm tiếp nhận viện trợ cho Ukraine cũng chỉ được Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gián tiếp xác nhận. Vào giữa tháng 9, sau chuyến thăm Kiev, bà Baerbock nói với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng một “trung tâm bảo trì ở biên giới Ba Lan-Ukraine” sẽ được thành lập.
Truyền thông Ba Lan “miễn cưỡng” đưa tin về các nỗ lực viện trợ quân sự ở Đông Nam nước này. Việc Đức và liên minh do Mỹ dẫn đầu ủng hộ Ukraine đang xây dựng một trung tâm sửa chữa ở đó cho đến nay cũng không được đưa tin rộng rãi.
Vũ khí bị hao mòn nhanh chóng
Các trận chiến diễn ra ác liệt với cường độ cao khiến vũ khí bị hao mòn nhanh chóng.
Trong cuộc thảo luận với giới chức quân đội Ukraine tại Kiev đầu tháng này, Tướng Christian Freude, lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm về Ukraine thuộc Bộ Quốc phòng Đức, cho biết pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 mà Đức chuyển giao cho Ukraine đang bị hao mòn.
“Các khẩu pháo đã được sử dụng trong các trận chiến từ tháng 5. Hiện giờ, chúng có một số hạn chế về khả năng sẵn sàng hoạt động”, ông Freude nói, đồng thời cho biết thêm, một lực lượng đặc nhiệm đang làm việc để đảm bảo các khẩu pháo này có thể nhanh chóng trở lại trạng thái sẵn sàng tác chiến cho lực lượng pháo binh Ukraine.
Trong những tuần trước khi mùa đông đến, việc sửa chữa các loại vũ khí đã cũ mòn của phương Tây là vấn đề trọng tâm. Sau cuộc phản công của Ukraine ở phía Đông Bắc, Đức đã cam kết cung cấp cho Kiev thêm 4 hệ thống pháo Panzerhaubitze 2000.
Thách thức lớn về phụ tùng thay thế
Chuyên gia an ninh Wolfgang Richter từ Viện Quốc tế và An ninh Đức, cơ quan tư vấn cho chính phủ liên bang ở Berlin, cho biết: “Hậu cần phải được tăng cường và đó chính xác là những gì đang diễn ra”.
Ông Richter cho biết thêm: “Linh kiện dự phòng cho các hệ thống vũ khí khác nhau của phương Tây cần được đảm bảo ở trạng thái sẵn sàng càng gần biên giới Ukraine càng tốt. Bên cạnh đó, cần phải có những nhân viên được đào tạo bài bản có khả năng sửa chữa các hệ thống vũ khí của phương Tây”.
Theo ông Richter, đây là một thách thức lớn, vì các nước phương Tây đã chuyển giao rất nhiều loại vũ khí khác nhau cho Ukraine.
“Ukraine nhận được nhiều các hệ thống pháo binh khác nhau cũng như các thiết bị ngoại vi cần thiết từ Pháp, Italy, Anh, Mỹ và Đức. Các thiết bị quân sự của các nước khác nhau đòi hỏi phụ tùng thay thế hoàn toàn khác nhau và với số lượng lớn”, ông Richter nói.
Trong khi đó, nhận định về xung đột Nga-Ukraine trong những tháng tới, ông Michael Kofman, Giám đốc Nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, cho rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ được xác định bằng “sự tiêu hao và tái thiết”.
Mặc dù Ukraine có cơ hội tốt để từng bước giành lại thêm lãnh thổ sau những thành công quân sự gần đây, nhưng ông Kofman cho rằng rất khó dự đoán cuộc chiến có thể kéo dài bao lâu.