Do khoảng cách gần giữa Tết cổ truyền và Tết Dương lịch nên nhiều người cảm thấy Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn mọi năm. Ở công sở, mọi người cảm thấy gấp gáp hơn trong việc giải quyết hết các công việc tồn đọng, còn các gia đình cũng phải tất bật hơn để chuẩn bị cho cái tết đang đến gần.
Tết Dương lịch 1/1/2023 đã là ngày 10/12 năm Nhâm Dần. Vì vậy, chỉ sau đó 20 ngày, chúng ta được đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo lịch âm, ngày 30 Tết năm nay sẽ rơi vào thứ Bảy 21/1/2023 và mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão là 22/1/2023, nhằm vào Chủ nhật.
Tết Nguyên đán 2023 đến sau Tết Dương lịch chỉ sau 3 tuần.
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ đồng ý phương án nghỉ tết Tết Nguyên đán năm 2023 kéo dài 7 ngày.
Theo đó, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ thứ Sáu ngày 20/1/2023 đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lịch nghỉ Tết trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với người lao động khối ngoài Nhà nước, người sử dụng lao động quyết định chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 phù hợp theo thực tế của đơn vị. Phương án nghỉ Tết Nguyên đán của đơn vị phải đảm bảo 5 ngày, trong đó có 1 ngày năm cũ và 4 ngày năm mới; hoặc 2 ngày năm cũ, 3 ngày năm mới.
Nếu ngày nghỉ Tết chính thức trùng ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào các ngày đi làm của tuần tiếp theo. Các đơn vị chọn lịch nghỉ phù hợp và thông báo cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Theo truyền thống, Tết Nguyên đán là dịp con cháu từ khắp nơi về sum họp, đoàn tụ với gia đình. Đây cũng là khoảng thời gian để hướng về cội nguồn, mời gia tiên tiền tổ và người thân đã mất trở về bằng cách thực hiện nghi lễ cúng. Các gia đình sẽ sửa soạn bàn thờ, đặt lên các lễ vật, làm mâm cơm thịnh soạn để thắp hương.
Ngày Tết chính là ngày của sự sum họp, đoàn viên.
Trong tâm thức của người Việt, ngày Tết chính là ngày của sự sum họp, đoàn viên. Dù đang ở đâu, làm bất cứ nghề gì, người ta đều mong được trở về nhà ăn bữa cơm tất niên cùng gia đình, được khấn vái trước bàn thờ tiên tổ.
Trong ngày 30 Tết, vào buổi sáng, trưa hay chiều tối, các gia đình làm một mâm cơm cúng tất niên, mời gia tiên tiên tổ về ăn Tết với con cháu, đồng thời thể hiện mong muốn xua đi những điều xui xẻo ở năm cũ, chào đón những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Mâm cỗ cúng tất niên là mâm cỗ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Ngoài việc tỏ lòng thành kính với gia tiên thì đây là dịp các thế hệ trong gia đình quây quần bên mâm cơm đầm ấm.
Sang ngày mùng 1, mọi người tin rằng ngày này mọi chuyện suôn sẻ thì người ta tin rằng cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý. Do vậy, việc chọn người xông đất cũn rất quan trọng. Theo truyền thống, gia chủ sẽ chọn một người hợp tuổi với mình để bước vào nhà đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Thông thường, chủ nhà sẽ mời người nào tốt số, hợp vía, hợp tuổi với gia chủ để đến xông đất nhà mình. Người xông đất cũng phải vui vẻ, sức khỏe dồi dào, để đem lại may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Cũng trong ngày đầu năm, bố mẹ, ông bà thường mừng tuổi con trẻ với lời chúc mạnh khỏe, ngoan ngoãn, an lành. Con cháu trưởng thành cũng lì xì ông bà cha mẹ để cầu mong họ luôn mạnh khỏe, ở bên mình thật lâu.
Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ sẽ báo hiệu một năm mới an lành, tốt đẹp. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin vào cuộc sống. Nếu chúng ta có năm cũ may mắn và thuận lợi thì sự may mắn này sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.