Với người Việt Nam, Tết Đoan ngọ 5/5 chính là Tết Giết sâu bọ, loại trừ những sinh vật có hại để bảo vệ mùa màng. Ngoài các hành động thực tế, có một hành vi mang tính nghi lễ, tượng trưng, đó là ăn các món giết sâu bọ.
Món ăn giết sâu bọ trong Tết Đoan ngọ
- Bánh gio (bánh tro, bánh ú tro): Vào ngày nóng bức của tháng 5 âm lịch, những chiếc bánh ú tro có tác dụng giải nhiệt, dễ ăn và dễ tiêu hóa. Bánh mềm dẻo, vị nhạt, tính mát, thường ăn với mật mía. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm trong nước tro đốt từ các loại cây khô. Bánh gio có hình dạng khác nhau ở các địa phương, có nơi gói thuôn dài, có nơi gói thành hình chóp tam giác.
Tết Đoan ngọ ăn gì để giết sâu bọ? Bánh gio là một trong những món phổ biến.
- Cơm rượu nếp: Theo quan niệm dân gian, cơm rượu nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể.
- Trái cây theo mùa: Món ăn giết sâu bọ phổ biến nhất, nhà nào cũng dễ dàng chuẩn bị chính là các loại trái cây đang mùa thu hoạch như vải thiều, mận ở miền Bắc hay chôm chôm ở miền Nam. \
- Xôi, chè các loại: Thường người miền Bắc ăn chè đậu xanh, chè mật gạo nếp, người miền Trung ăn chè kê, chè hạt sen, người miền Nam ăn chè trôi nước.
- Thịt vịt: Món ăn này tính mát, thường được ưa chuộng trong những ngày nóng bức nên cũng được sử dụng phổ biến trong dịp Tết Đoan ngọ để cân bằng âm dương, làm mát cơ thể. Mặt khác, tháng 5 âm lịch cũng là thời điểm vịt béo, thịt ngon và không có mùi hôi.
Ăn gì để giết sâu bọ trong ngày 5/5? Nhiều gia đình luôn có món thịt vịt.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì?
Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, tuy nhiên về cơ bản thường có những thứ sau:
- Hương, hoa, vàng mã
- Nước
- Rượu nếp (cơm rượu)
- Các loại trái cây như mận, vải, hồng xiêm, chuối, dưa hấu...
- Bánh gio
- Thịt vịt
- Xôi chè
Do quan niệm trần sao âm vậy nên mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ cũng có các món ăn giết sâu bọ như đã kể trên, sau khi cúng xong mọi người trong gia đình cùng nhau thụ lộc.