Elon Musk, nhà điều hành Tesla, giới thiệu chiếc xe thuần điện đầu tiên vào tháng 2/2008. Sau 13 năm, Tesla đã có được chỗ đứng nhất định trong ngành công nghiệp ôtô nói chung hay ngành công nghiệp ôtô điện nói riêng.
Tại Mỹ, Tesla là thành công thứ 2 của ngành ôtô nước này, sau Ford cách đây 118 năm.
Vậy một hãng xe có thể nói là non trẻ so với những "ông lớn" như Ford hay Toyota đã làm gì để thu hút người dùng ở phân khúc xe điện?
Tháng 2/2008, Tesla lần đầu tiên ra mắt chiếc xe thể thao thuần điện mang tên Roadster. Mẫu xe này được thiết kế dựa trên khung sườn của chiếc Lotus Elise. Tesla Roadster gây kinh ngạc với giới truyền thông vào thời điểm bấy giờ vì phạm vi hoạt động trên 320 km với mỗi lần sạc đầy.
Tesla Roadster là mẫu xe thể thao thuần điện đầu tiên của hãng. Ảnh: Tesla.
Sau mẫu xe thể thao điện, Tesla tiếp tục mở rộng phạm vi khách hàng bằng mẫu sedan Model S vào năm 2012. Nhờ tên tuổi tạo dựng được từ mẫu Roadster, Tesla Model S nhanh chóng trở thành mẫu ôtô điện bán chạy nhất thế giới trong 2 năm 2015 và 2016.
Không dừng lại với Model S, Tesla một lần nữa thu hút sự quan tâm của người dùng bằng mẫu SUV điện Model X vào năm 2016. Hiện tại, Tesla đang bán 4 mẫu xe gia đình chạy điện là Model S, Model 3, Model X và Model Y.
Ngoài những chiếc sedan nhỏ gọn hay SUV to lớn, hãng xe điện của Mỹ còn phát triển sang phân khúc xe bán tải và xe đầu kéo.
|
Cybertruck và Semi truck là 2 phân khúc mới của Tesla. Ảnh: Tesla. |
Mẫu bán tải Cybertruck đã được giới thiệu vào cuối năm 2019, dự kiến xe được giao cho khách hàng trong năm nay. Không giống đa số mẫu bán tải trên thị trường, Cybertruck mang ngôn ngữ thiết kế có thể nói là dị hợm với những đường cắt dứt khoát từ trước ra sau.
Tesla Semi, mẫu xe đầu kéo chạy điện ra mắt vào năm 2017, hiện vẫn chưa được sản xuất hàng loạt để phân phối ra thị trường. Tùy theo phiên bản, Tesla Semi có thể di chuyển từ 480 km đến gần 1.300 km.
Bốn mẫu xe hiện tại của Tesla có phạm vi di chuyển 520-624 km, không quá chênh lệch với những mẫu xe dùng động cơ truyền thống. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của xe điện so với xe dùng xăng hay diesel là thời gian nạp năng lượng. Một chiếc ôtô truyền thống mất khoảng 5-10 phút cho mỗi lần đổ đầy bình xăng, trong khi xe điện cần thời gian gấp 4-5 lần.
Để giải quyết bài toán này, Tesla đã cho xây dựng mạng lưới sạc nhanh (Supercharger) với hơn 25.000 trạm sạc trên toàn cầu. Hiện tại, trạm sạc nhanh của Tesla đã có mặt tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Australia.
Trạm sạc nhanh Supercharger giúp giảm thời gian mỗi lần sạc. Ảnh: Wikipedia
Sử dụng điện tại trạm sạc nhanh của Tesla, người dùng chỉ cần sạc 15 phút là có thể đi được quãng đường khoảng 320 km, công suất tốt đa của trạm sạc nhanh là 250 kW. Đặc biệt, xe Tesla có khả năng tự tính toán lộ trình và tìm trạm sạc cho người điều khiển.
Có thể thấy, tại các quốc gia chú trọng về xe điện thì mối lo ngại về trạm sạc không còn là điều nghiêm trọng, người dùng thậm chí không cần tự trang bị trạm sạc tại nhà vẫn có thể sử dụng xe điện Tesla một cách thoải mái. Tuy nhiên ở những quốc gia chưa phát triển về ngành công nghiệp xe điện thì đây lại là rào cản khá lớn.
Bên cạnh những công nghệ về pin nhằm tăng phạm vi di chuyển, xe điện của Tesla còn nổi bật với tính năng lái tự động (Autopilot). Đây là trang bị tiêu chuẩn trên tất cả dòng xe của Tesla.
Tính năng lái tự động giúp người lái giảm mệt mỏi, căng thẳng. Ảnh: Roadandtrack.
Đối với nhiều người dùng ở Mỹ, việc họ chuyển từ lựa chọn ôtô thông thường sang xe điện Tesla, chưa chắc vì những ưu điểm của xe điện, mà là ưu việt của hệ thống lái tự động.
Mỗi chiếc Tesla đều có 8 camera bên ngoài cùng 12 cảm biến siêu âm để đảm nhận vai trò quan sát và hỗ trợ hệ thống lái tự động. Đặc biệt, hai mẫu Model 3 và Model Y tại thị trường Mỹ được nâng cấp lên công nghệ Tesla Vision chỉ dựa vào camera mà không cần các cảm biến.
Khách hàng có thể lựa chọn 2 gói hỗ trợ lái là tự động (Autopilot) hoặc tự động hoàn toàn (Full Self-Driving).
Vào đầu năm nay, một YouTuber đã đăng tải một video chiếc Tesla Model 3 tự di chuyển quãng đường hơn 600 km từ San Francisco đến Los Angeles. Chiếc xe gần như hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của người ngồi sau vô lăng, trừ một vài trường hợp như cần sạc điện hay đường có sự cố.
Có khá nhiều vụ tai nạn liên quan đến tính năng tự động lái vào thời gian gần đây. Ảnh: Gadget Match.
Dù đã cảnh báo người dùng phải luôn giữ tay trên vô lăng và tỉnh táo khi sử dụng tính năng Autopilot, nhiều chủ xe vẫn phó mặc tính mạng của mình vào công nghệ này. Gần đây nhất, 2 người đàn ông đã tử vong do chiếc Tesla Model S của họ đâm vào gốc cây trong lúc bật tính năng tự lái, khám nghiệm hiện trường cho thấy không ai ngồi ở vị trí ghế lái.
Tháng 9/2020, một chiếc Tesla Model S đang trong tình trạng tự động lái đã đâm vào xe cảnh sát tại Mỹ. Rất may không ai bị thương nghiêm trọng, tuy nhiên tài xế đã bị buộc tội do xem phim trong lúc điều khiển phương tiện.
Có thể thấy tính năng hỗ trợ lái tự động của Tesla hoạt động hiệu quả trong nhiều trường hợp, tuy nhiên công nghệ này vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế con người ngồi phía sau vô lăng.
VinFast sẽ bước vào ngành công nghiệp ôtô điện trong vài tháng nữa. Ảnh: Hoàng Hà.
Thị trường ôtô điện tại Mỹ sẽ sớm có sự góp mặt của VinFast. Tại Đại hội cổ đông Vingroup được tổ chức vào sáng 24/6, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, cho biết doanh nghiệp sẽ kiên trì việc bán xe điện vào Mỹ.
Ông Phạm Nhật Vượng nói: "Xe Tesla có gì thì xe của chúng tôi có cái đấy". VinFast dự kiến bán 15.000 xe điện tại Mỹ trong năm 2022, tổng số lượng xe bán ra đến năm 2026 là hàng trăm nghìn xe.
Về vấn đề quãng đường di chuyển khi so với Tesla, Chủ tịch Vingroup cho rằng doanh nghiệp khắc phụ bằng việc sạc siêu nhanh. Trong vòng 20 phút có thể sạc 70-80%, có thể chạy thêm 200-400 km, điều này cơ bản khắc phục được vấn đề. Mọi chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế pin đều do VinFast chịu trách nhiệm.
Về công nghệ tự lái trên ôtô, ông Vượng nói: "Đến tháng 12 này sẽ có xe tự lái cấp độ 3 chính thức".
VinFast VF e34 và VF 35 sẽ được bán tại Mỹ từ năm sau. Ảnh: VinFast.
Theo kế hoạch, VinFast sẽ phân phối 2 mẫu xe điện và VF e34 và VF e35 đến thị trường Mỹ vào năm sau. Trong đó VF e34 thuộc phân khúc xe gầm cao hạng C, còn VF e35 là SUV cỡ trung. Mẫu VF e34 cũng đã nhận đặt cọc sớm tại Việt Nam và dự kiến tới tay khách hàng vào những tháng cuối năm nay.
Về sức mạnh, VinFast trang bị VF e34 một động cơ điện với công suất 148 mã lực và mô-men xoắn cực đại 242 Nm, với bộ pin 42 kWh xe có thể di chuyển tối đa 300 km. Đối với VF e35, xe sử dụng 2 động cơ điện có tổng công suất 402 mã lực và mô-men xoắn 640 Nm. VF e35 được trang bị bộ pin 90 kWh, phạm vi hoạt động tối đa hơn 500 km.