Trong phần lớn thời gian của tháng 3, tàu thăm dò Curiosity đã cố gắng chinh phục Greenheugh Pediment - con dốc được bao phủ bởi đá sa thạch vụn trên sao Hỏa.
Tuy nhiên tới 18/3, Curiosity quyết định thay đổi lộ trình sau khi phát hiện địa hình trước mắt toàn những tảng đá sắc nhọn.
Nhóm nghiên cứu đặt biệt danh cho khu vực này là vùng 'lưng cá sấu".
Greenheugh Pediment bị bao phủ bởi đá sa thạch - loại đá cứng nhất mà Curiosity từng gặp trên sao Hỏa.
"Rõ ràng các bức ảnh của Curiosity cho thấy khu vực này không tốt cho bánh xe của chúng tôi. Robot sẽ đi rất chậm và chúng tôi không thể điều khiển nó", Giám đốc Dự án Curiosity Megan Lin thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Nam California cho hay.
Hành trình di chuyển qua Greenheugh Pediment nằm trong lộ trình ban đầu của Curiosity để tiến tới núi Sharp, ngọn núi cao 5.000 m ở trung tâm miệng hố va chạm Gale.
Greenheugh Pediment là vùng đồng bằng rộng, dốc gần chân núi Sharp, kéo dài khoảng 2 km.
Trong quá trình leo lên núi Sharp, Curiosity có thể nghiên cứu các lớp trầm tích khác nhau được hình thành bởi nước trên sao Hỏa hàng tỷ năm trước. Những lớp này sẽ giúp các nhà khoa học giải đáp câu hỏi liệu sự sống có thể tồn tại trên môi trường sao Hỏa cổ đại hay không.
Bánh xe của Curiosity trước đó bị hư hại khá nhiều trong quá trình leo các tầng thấp của núi Sharp. Để khắc phục điều này, các kỹ sư của NASA đã nghiên cứu các thuật toán kiểm soát độ bám đường, đồng thời tránh các khu vực có những tảng đá sắc nhọn như ở Greenheugh Pediment.
Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA. (Ảnh: NASA)