Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vừa quay trở lại biển để kiểm tra chất lượng trong tháng. Sau đó tàu quay về Guam đón những thành viên đã hết cách ly COVID-19 và khôi phục hoàn toàn hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.
Theo trang web của Hải quân Mỹ, tàu sân bay đã rời căn cứ hải quân đảo Guam và vào vùng biển gần Philippines, nhằm "sẵn sàng bảo đảm an ninh hàng hải, duy trì tự do trên biển theo luật pháp và hải quan quốc tế, hợp tác với các đối tác quốc tế và đồng minh để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực."
Tàu USS Theodore Roosevelt khôi phục hoạt động sau thời gian chống dịch COVID-19. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Chuẩn đô đốc Stu Baker, chỉ huy nhóm tàu tấn công số 9 nói: "Sự hiện diện và sự tham gia của chúng tôi đóng một vai trò thiết yếu trong việc tăng cường khả năng của các quốc gia và đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương"
Hạm trưởng Carlos Sardiello, chỉ huy USS Theodore Roosevelt cho biết: “Quay lại thực hiện nhiệm vụ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sau khi hoàn thành kiểm tra chất lượng là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch hồi phục của tàu Theodore Roosevelt.”
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hơn 1.100 thủy thủ tàu sân bay Roosevelt được xác nhận mắc bệnh và 1 người thiệt mạng.
Chỉ huy Brett Crozier trước đó đã gửi bức thư đến các quan chức hải quân và đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương, kêu gọi nhanh chóng di chuyển các thủy thủ ra khỏi tàu. Bản sao bức thư này bị rò rỉ cho truyền thông và chỉ trong vài ngày, Crozier bị bãi chức.
Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly cho rằng, ông Crozier quá “ngây thơ hoặc ngu ngốc” khi tin rằng bức thư sẽ không bị tiết lộ. Phát biểu gây tranh cãi này cũng khiến ông Modly phải từ chức sau đó.
Ít nhất 4.000 thủy thủ USS Theodore Roosevelt được đưa khỏi tàu và cách ly điều trị tại Guam. Sau 14 ngày cách ly, những thủy thủ được xác nhận không nhiễm virus được phép quay lại tàu. Tuy nhiên, một số thủy thủ vẫn tái dương tính và phải quay lại bờ cách ly.
Hiện khoảng 350 thủy thủ vẫn ở lại Guam điều trị.