Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tất bật sản xuất hàng nghìn mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu

(VTC News) -

Những ngày này, người dân ở làng Ông Hảo (Hưng Yên) đang vội vã sản xuất hàng nghìn mặt nạ giấy bồi đủ hình để cung cấp cho thị trường Trung thu.

Làng nghề đồ chơi trung thu truyền thống đang tất bật sản xuất.

Làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) từ hàng chục năm chuyên sản xuất các loại đồ chơi trung thu truyền thống như trống, mặt nạ giấy bồi với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ.

Dịp Rằm tháng 8 năm nay, nhiều nghệ nhân nơi đây vẫn gắn bó với nghề, cần mẫn, tỉ mẩn chế tác mặt nạ giấy bồi đủ hình như mặt chú Tễu, Tôn Ngộ Không...

Sau một thời gian bị thoái trào, vài năm gần đây, xu hướng lựa chọn các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống thân thiện với môi trường như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử...được khách hàng ưa chuộng trở lại. Đây cũng chính là động lực để nghệ nhân làng nghề tiếp tục sản xuất.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Vũ Huy Đông cho biết, khoảng chục năm trước, đồ chơi truyền thống bị chững lại, thậm chí không thể cạnh tranh với đồ chơi hiện đại nhập từ Trung Quốc, nhưng vài năm gần đây, xu hướng mua sắm của người dân lại thay đổi, dần dần quay lại với những đồ chơi dân gian, mang đậm văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường.

Mặt nạ giấy bồi làm từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, bìa giấy, được các nghệ nhân khéo léo chế tác thủ công, tạo hình những nhân vật dân gian, quen thuộc.

Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ, người thợ phải trải qua 3 công đoạn: bồi thô, sơn vè và hoàn thiện. Người thợ sẽ tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng trên khuôn xi măng đúc sẵn, sau đó sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy.

Sau khi bồi giấy xong, mặt nạ được đem đi phơi khô rồi sơn, vẽ tay thành những hình thù ngộ nghĩnh như mặt nạ chú Tễu, Tôn Ngộ Không, các loài động vật...

Từng đường nét được chế tác chi tiết, tỉ mỉ.

Ông Đông cho biết công đoạn khó nhất là vẽ tạo hình, người thợ sơn cần phải có kinh nghiệm mới thể hiện được "hồn" của nhân vật. "Tễu nam không có khăn vấn thì phải có râu, Tễu nữ thì phải có khăn vấn. Với mỗi chiếc mặt nạ, người vẽ phải thể hiện được thần thái trên khuôn mặt, đây là điều khó nhất", ông Đông nói.

Mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi hiện có giá 15.000 - 35.000 đồng/chiếc.

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Đông làm hơn 10.000 chiếc mặt nạ và hơn 8.000 chiếc trống.

Những chiếc mặt nạ giấy bồi không chỉ là đồ chơi cho trẻ nhỏ dịp Tết Trung thu mà còn giúp lưu giữ, truyền bá văn hóa dân tộc tới nhiều thế hệ trẻ.

Minh Đức

Tin mới