Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tăng trưởng tín dụng tích cực, thị trường tài chính tiêu dùng phục hồi

(VTC News) -

Nhờ vào các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả, tín dụng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.

Tháng 3 và 4 vừa qua ghi nhận sự tăng trưởng tín dụng tích cực. Tính đến ngày 25/4, tăng trưởng tín dụng đạt 6,75% so với cuối năm 2021. Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022 tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Điều này cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch rất khả quan.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NHNN được thực hiện vào tháng 12/2021, các tổ chức tín dụng ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022.

Các chuyên gia cũng đang lạc quan với dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, mục tiêu NHNN đưa ra cả năm nay là 14%, cầu vốn tiêu dùng của khách hàng trở lại khi chuỗi cung ứng được khôi phục sau giai đoạn dài gặp khó vì dịch bệnh.

Theo đó, các tổ chức tín dụng từng bước đẩy vốn ra thị trường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chuỗi cung ứng cũng như đáp ứng cầu tín dụng cho khách hàng cá nhân khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Trước đó, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết tính từ đầu năm đến hết 31/3, tín dụng tăng 5,04%. Nếu so với mức tăng 2,16% của quý 1/2021 thì con số trên là tín hiệu khả quan.

Tốc độ tăng tín dụng cao gấp 2,3 lần năm ngoái chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực, các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả. Dịch bệnh đã giảm bớt và các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất kinh doanh, người dân cũng đang trở lại cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn lúc này tăng khá cao”, Phó Thống đốc nhận định.

Riêng với mảng tín dụng tiêu dùng, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính cũng đã ghi nhận sự hồi phục từ quý IV/2021 và tiếp tục đà tăng trưởng trong quý I/2022.

Dư nợ của FE CREDIT cuối quý I/2022  (Nguồn: VPBank).

Tại FE CREDIT, dư nợ tín dụng đạt con số ấn tượng 76.600 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ 2021. Chỉ tiêu này phục hồi ngay trong quý IV năm trước khi chỉ tính riêng tháng 12/2021, giá trị giải ngân sản phẩm cốt lõi là cho vay tiêu dùng đạt tới 6.400 tỷ đồng, cao nhất trong 11 tháng liên tiếp. Lũy kế giải ngân sản phẩm cốt lõi quý 4 tăng lên 17.000 tỷ đồng nhờ đó giải ngân cho vay năm 2021 ghi nhận kết quả khả quan, đạt 67.000 tỷ đồng, tăng 4.000 tỉ đồng so với năm 2020.

Không chỉ tăng trưởng tín dụng ghi nhận kết quả tích cực, nhờ quản lý tốt chi phí, kiểm soát chất lượng tín dụng hiệu quả đã giúp lợi nhuận FE CREDIT quý I đạt gần 800 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2021. Năm 2022, lãnh đạo VPBank kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhờ sự phục hồi của khách hàng, đặc biệt là tại FE CREDIT với kịch bản công ty tài chính này có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000 - 6.000 tỷ đồng.

Nhận định về triển vọng thị trường tài chính tiêu dùng trong năm 2022, trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB dự báo, nhu cầu tín dụng tiêu dùng sẽ bùng nổ trong giai đoạn quý IV/2021 và kéo dài đến năm 2022, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, cộng với nhu cầu chi tiêu cho nhiều dịp lễ cuối năm và hầu hết các cơ sở kinh tế sẽ gia tăng kích cầu nhằm bù đắp cho 2 quý trước đó.

Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục có tăng trưởng cao, kéo theo đó là thu nhập người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Do đó, tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ còn rất lớn. Đây có thể là lý do mà các ông lớn trong ngành tài chính thế giới liên tục tiến hành thâu tóm các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Bảo Anh

Tin mới