“Đối với một sinh viên học ĐH Ngân hàng, rồi ra trường cũng vào luôn môi trường ngân hàng để làm việc, việc rời bỏ tất cả để theo đuổi lĩnh vực khác đối với tôi chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng", Quốc Ngữ bắt đầu câu chuyện với Zing về quyết định bước khỏi vùng an toàn.
Chàng trai 24 tuổi nói thêm nhìn lại chặng đường đã qua và những thử thách đang chờ đợi ở phía trước, anh phần nào tự hào về bản thân. Quốc Ngữ nghĩ dù lựa chọn theo hướng nào, anh vẫn luôn nỗ lực hết mình mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất.
Học thêm tiếng Trung để đi du lịch
Ở thời điểm quyết định rẽ hướng, Trần Quốc Ngữ là nhân viên quan hệ khách hàng FDI tại một ngân hàng lớn. Ngữ hiểu đây là công việc ổn định, môi trường chuyên nghiệp, đúng chuyên ngành, mức thu nhập tốt.
Dù vậy, trong quá trình làm việc và học hỏi, Quốc Ngữ nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót, cũng như có những suy nghĩ sâu sắc hơn về định hướng phát triển của bản thân.
Trần Quốc Ngữ hiện là nhân viên Quan hệ khách hàng FDI tại một ngân hàng lớn.
Vì thế, anh tiếp tục tìm hiểu, học thêm các khóa học bên ngoài để đa dạng hóa trải nghiệm. Quốc Ngữ đặc biệt yêu thích việc học hỏi, nghiên cứu tiếng Trung Quốc.
“Từ năm 2017, tôi quyết định học thêm tiếng Trung Quốc chỉ với lý do rất đơn giản là muốn đến nước này du lịch. Xa hơn, tôi có thể tăng thêm cơ hội việc làm cho bản thân. Thú thật, tôi tích cực trau dồi và tìm hiểu trong một năm trời chỉ vì càng học càng thấy yêu thích, say mê ngôn ngữ thôi", Quốc Ngữ kể.
Thế nhưng, chính khóa học đó phần nào mang lại cơ hội thay đổi cho tân cử nhân. Năm 2021, anh nhận học bổng Khổng Tử tại ĐH Sư phạm Chiết Giang, sau đó tiếp tục thi đỗ HSK6 tại ngôi trường này.
Với chàng nhân viên ngân hàng đang nỗ lực để tìm một hướng đi mới bứt phá, cơ hội để được ra nước ngoài học tập, mở mang kiến thức càng khiến anh thêm trăn trở.
Quốc Ngữ cho hay nhiều người xung quanh phản đối lựa chọn này của anh. Bản thân anh cũng biết đây là quyết định có phần liều lĩnh và điên rồ khi từ bỏ công việc tốt, đúng ngành học để theo đuổi ước mơ.
Nhưng cuối cùng, anh thấy may mắn vì những cố gắng đã phần nào có kết quả. Ngoài ra, gia đình cũng ủng hộ, hậu thuẫn để anh bước khỏi vùng an toàn.
Vốn chỉ học thêm ngoại ngữ, Quốc Ngữ đã biến đây trở thành cơ hội để bản thân được đi xa hơn, học thêm các kiến thức để chinh phục cấp bậc thạc sĩ.
Từ giây phút quyết định xem du học Trung Quốc là ước mơ để theo đuổi, Trần Quốc Ngữ luôn tận dụng các cơ hội, nỗ lực nâng cấp trình độ, đến gần hơn với các học bổng.
Anh cho biết dù trải qua mùa dịch kéo dài và mọi thứ đều có nguy cơ đi vào ngõ cụt, anh vẫn tích cực tìm hiểu cách thức tự xin học bổng, chuẩn bị thật kỹ cho chuyến đi chưa biết ngày bắt đầu.
Ngữ cho biết anh vẫn sẽ chọn Việt Nam là điểm đến cuối cùng cho hành trình của mình.
May mắn, Quốc Ngữ nhận được sự đề cử của thầy hiệu phó và 2 phó giáo sư để con đường thêm rộng mở. Ngoài ra, trong quá trình học một năm tại ĐH Sư phạm Chiết Giang với các cô giáo bản ngữ, anh cũng tranh thủ cải thiện tối đa khả năng nghe, nói tiếng Trung.
Nhờ vậy, tôi đã có thể viết cho mình kế hoạch học tập tại Trung Quốc và ứng tuyển học bổng chính phủ. May mắn một lần nữa đến khi Ngữ được một phó giáo sư ĐH Sư phạm Chiết Giang viết thư đề cử để anh có thể xin học bổng.
Sau khi hoàn thành hồ sơ và nộp nguyện vọng vào ĐH Sư phạm Thủ đô tại Bắc Kinh (một trong 10 ngôi trường sư phạm tốt nhất Trung Quốc), Ngữ tiếp tục vượt qua vòng phỏng vấn với 5 giáo sư của trường, thực hiện tốt bài viết đề tài và nhận được đề cử ở hạng mục học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC). Ngữ cho hay đây là học bổng danh giá nhất cho sinh viên quốc tế. Anh được nhận học bổng toàn phần hệ thạc sĩ.
Dù quyết định từ bỏ công việc tốt để ra nước ngoài học hỏi thêm, Ngữ cho biết anh vẫn sẽ chọn Việt Nam là điểm đến cuối cùng cho hành trình của mình.
“Tôi sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình học thạc sĩ sắp tới, nâng cao thêm trình độ và kỹ năng để có thể mở ra cho mình những cơ hội mới, chân trời mới. Khi cuộc sống du học sinh ổn định, tôi sẽ lên kế hoạch học tiếp, xin học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau đó trở về Việt Nam làm việc”, Quốc Ngữ khẳng định.