Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tại sao đội bóng Nhật Bản chọn Kawin thay vì Đặng Văn Lâm?

Sau nhiều đồn đoán, Kawin Thamsatchanan mới là cái tên được Consadole Sapporo lựa chọn cho vị trí "người gác đền" chứ không phải Đặng Văn Lâm như những thông tin ban đầu.

Hôm 6/2, thủ môn Kawin Thamsatchanan gia nhập CLB Consadole tại J.League 1 với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Bản hợp đồng này biến Kawin trở thành cầu thủ Thái Lan thứ 4 chơi bóng tại J.League 1 mùa giải 2020, sau Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan và Teerasil Dangda.

Trong bối cảnh Consadole sẽ không có thủ thành số một Gu Seong-yun ở mùa giải 2020 do anh phải trở về Hàn Quốc thực hiện nghĩa vụ quân sự, cơ hội được bắt chính của Kawin đang là rất lớn.

Consadole có lý do để chọn Kawin thay vì Văn Lâm. (Ảnh: Quang Thịnh)

Trước khi đưa về Kawin, Consadole được cho là liên hệ với Đặng Văn Lâm. Tin đồn càng có cơ sở khi thông báo tìm phiên dịch tiếng Việt của đội bóng Nhật Bản được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, Consadole đưa về Kawin, thủ thành dày dạn kinh nghiệm của bóng đá Thái Lan. Xét về phong độ, Văn Lâm rõ ràng đang được đánh giá cao hơn. Vậy tại sao đội bóng Nhật Bản lại quyết định đặt niềm tin vào Kawin?

Bốn mùa giải qua, màn trình diễn tại V.League, đội tuyển Việt Nam cũng như Muangthong United chính là những lời khẳng định đanh thép cho tài năng của Văn Lâm. Anh là một thủ thành xuất sắc, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng thủ thành Việt kiều không có những khuyết điểm.

Trong dòng chảy liên hồi của bóng đá thời kim tiền, ngoài bảo vệ khung thành, các thủ môn giờ đây còn trở thành tuyến phân phối bóng đầu tiên cho đội bóng. Và ngoài rèn luyện đôi tay, những "người gác đền" giờ đây còn phải trang bị cả những kỹ năng chơi bóng bằng chân cần thiết.

Tuy nhiên, chơi chân lại chính là điểm yếu nhất trong bộ kỹ năng của Văn Lâm. Với một môi trường ưa chuộng bóng ngắn, phối hợp nhỏ và triển khai từ sân nhà như J.League, đây chắc chắn là điểm trừ của thủ thành Việt kiều này.

Kawin có thể chơi chân không quá hay, nhưng anh vẫn là người nhỉnh hơn. Hai năm thi đấu tại một trong những môi trường bóng đá hàng đầu là giải Bỉ đủ để thủ thành này biết phải thay đổi như nào, qua đó bắt kịp xu hướng của bóng đá thế giới.

Hai thủ môn đắt giá nhất thế giới là Alisson và Ederson đều sở hữu bộ kỹ năng bằng chân không thua kém bất cứ cầu thủ nào. (Ảnh: Getty Images)

Mùa giải 2019, trong khi Kawin thất bại toàn tập tại OH Leuven cũng như tuyển Thái Lan, Văn Lâm bắt chính trọn vẹn 30 trận tại Thai League cho Muangthong United và cũng là lựa chọn số một nơi khung gỗ đội tuyển Việt Nam.

Xét về phong độ, Kawin thua xa Văn Lâm. Nhưng xét về kinh nghiệm và đẳng cấp, Lâm "Tây" dường như chưa thể sánh được với người đồng nghiệp tại Thái Lan.

Nếu Văn Lâm chỉ thực sự nổi lên trong 3 năm trở lại đây thì Kawin từ lâu đã là cái tên "có số má" trong làng bóng đá Đông Nam Á.

Trước khi sang OH Leuven, Kawin có 10 mùa giải khoác áo Muangthong United, ra sân 262 trận và cùng đội bóng giành 10 danh hiệu. Trong màu áo đội tuyển Thái Lan, thủ thành 30 tuổi có thâm niên 10 năm khoác áo "Voi chiến" với 65 lần ra sân, cùng với đó là 2 chức vô địch AFF Cup các năm 2014 và 2016.

Với kinh nghiệm quốc tế dày dạn, đã từng thi đấu tại nhiều môi trường bóng đá cũng như đối đầu nhiều đối thủ khác nhau, khả năng Kawin thích nghi và hòa nhập nhanh với đội bóng mới rõ ràng cao hơn so với một Văn Lâm mới chỉ khẳng định mình tại Việt Nam và phần nào đó là Thai League. Với Kawin, ban lãnh đạo Consadole đã đưa ra một lựa chọn an toàn.

Quyết định chiêu mộ Kawin của Consadole chắc chắn chịu sự ảnh hưởng từ Chanathip. (Ảnh: Consadole Sapporo)

Một yếu tố khác cần được nhắc tới là sự thành công của các cầu thủ Thái Lan khi tới Nhật Bản thi đấu.

Chanathip giành danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa của Consadole và có mặt trong đội hình tiêu biểu J.League 1 2018, Theerathon chiếm suất đá chính và lên ngôi tại J.League 1 2019 cùng Yokohama Marinos, trong khi những Dangda hay Thitipan cũng ít nhiều để lại dấu ấn khi khoác áo Sanfrecce Hiroshima và Oita Trinita.

Ngược lại, 2 cầu thủ Việt Nam gần nhất sang Nhật Bản thi đấu là Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh đều thất bại, dù chỉ thi đấu tại J.League 2 trong màu áo Mito Hollyhock và Yokohama FC.

Các đội bóng Nhật Bản đã thành công khi sử dụng cầu thủ Thái Lan, Consadole cũng thành công với Chanathip trong đội hình. Bởi vậy, không có lý do gì để đội bóng vùng Hokkaido không tiếp tục đặt niềm tin vào một tuyển thủ Thái Lan khác là Kawin Thamsatchanan.

Nguồn: Zing News

Tin mới