Theo báo cáo Billionaires của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và Công ty Kiểm toán PwC của Anh công bố ngày 8/11, tổng khối tài sản của các tỷ phú thế giới giảm 388 tỷ USD, xuống 8.539 tỷ USD trong năm 2018.
Theo hãng tin Reuters, đây là sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2015. Báo cáo của USB cũng cho biết, số tỷ phú giảm từ 2.158 năm 2017 xuống 2.101 vào năm 2018. Như vậy, tính đến cuối năm 2018, số tỷ phú toàn cầu giảm 57 người so với năm trước đó. Tổng khối tài sản của các tỷ phú giảm 4,3% từ mức kỷ lục 8,9 nghìn tỷ USD xuống 8,5 nghìn tỷ USD. Dù vậy, con số này vẫn gấp 8 lần giá trị của Apple - công ty giá trị nhất thế giới.
Tài sản tỷ phú toàn cầu "bốc hơi" gần 400 tỷ USD trong năm 2018. (Ảnh: Getty Image)
Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về Trung Quốc. Tài sản của các tỷ phú Trung Quốc giảm 12,8% do thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh cùng với sự suy yếu của đồng nội tệ và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2018 giảm, xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Số lượng tỷ phú ở Trung Quốc giảm 39 xuống còn 436.
Hàng chục người Trung Quốc rời danh sách tỷ phú năm nay. Dù vậy, nước này vẫn tiếp tục sản sinh tỷ phú mới với tốc độ vài ngày một người, Josef Stadler - Giám đốc phụ trách khách hàng siêu giàu tại UBS-cho biết trong báo cáo.
Trên thế giới, số tỷ phú của hầu hết quốc gia đều giảm, trừ Mỹ. Báo cáo cho thấy, đến cuối năm 2018, số tỷ phú Mỹ lên tới 749 người. Trong đó, có 89 tỷ phú công nghệ, tăng từ con số 70 vào năm 2017.
Báo cáo không nêu chi tiết số lượng tỷ phú ở Anh, nhưng trên khắp Tây Âu có ít hơn 17 tỷ phú so với năm 2017 và tổng khối tài sản của họ giảm 18% xuống còn 1,7 triệu USD.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn là nơi có số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới với 754 tỷ phú, với tổng tài sản lên tới 2,5 nghìn tỷ USD. Khu vực này chiếm 36% dân số tỷ phú toàn cầu. Trung Quốc chiếm 43% trong số các tỷ phú của khu vực, Ấn Độ chiếm 14%, Hong Kong 9% và Nhật Bản 4%.
Sự phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới sau giai đoạn tụt dốc cuối năm 2018 giúp nhiều tỷ phú tăng khối tài sản của mình. Tuy nhiên, nhiều gia đình giàu có vẫn lo ngại về sự bất ổn toàn cầu, như căng thẳng thương mại, tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU, hay biến đổi khí hậu...Đây cũng là điều khiến họ vẫn muốn tích trữ tiền mặt hơn là đầu tư.
Theo ông Simon Smiles, trưởng bộ phận đầu tư cho các khách hàng siêu giàu của UBS, nhiều khả năng, tài sản của các tỷ phú thế giới tăng trở lại trong năm 2019. Thế nhưng, mức tăng sẽ khiêm tốn hơn nhiều so với tốc độ bật lại của thị trường chứng khoán.
Cũng theo báo cáo Billionaires của UBS, con số 2.101 tỷ phú trên toàn cầu tăng 38,9% so với 5 năm trước. Trong khoảng thời gian 5 năm đó, khối tài sản của họ tăng hơn một phần ba (34,5%).