Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tai nạn trẻ thường gặp ngày Tết: Phòng tránh và xử lý đúng cách

(VTC News) -

Rất nhiều tai nạn trẻ thường gặp ngày Tết, đặc biệt khi đi chơi xa nhà như điện giật, hóc, bỏng, đuối nước hay té ngã.

Những ngày Tết bận rộn nhiều việc khiến đôi lúc người lớn quên để mắt đến con trẻ. Rất nhiều tai nạn bất ngờ có thể xảy ra trong phút chốc như điện giật, hóc, bỏng, đuối nước hay té ngã....

Nếu sơ cứu không đúng cách rất có thể sẽ gây ra những biến chứng nặng nề với trẻ, thậm chí gây tử vong. Dưới đây là cách phòng tránh và cách sơ cứu đúng cách tai nạn thường gặp ở trẻ vào ngày Tết.

Trẻ uống nhầm thuốc có thể gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh hoạ)

Té ngã

Tình huống thường gặp

  • Trẻ té khi đi hoặc chạy vào khu vực trơn trượt khi người lớn lau nhà, tổng vệ sinh ăn Tết.
  • Trẻ té ngã do chạy nhảy, xô đẩy khi đi công viên, khu vực đông người.
  • Trẻ té do trèo cây, leo hàng rào, cầu thang, ban công, nằm võng…  lúc người lớn không để ý.

Dấu hiệu tổn thương

  • Nếu trẻ chỉ bị tổn thương ngoài da: chảy máu ở da, rách cơ, bầm tím…
  • Nếu trẻ tổn thương xương, khớp: dấu hiệu bong gân, trật khớp, gãy xương
  • Nếu trẻ chấn thương sọ não: chấn động não, tụ máu, xuất huyết …

Cách xử lý

  • Với những vết thương sưng, bầm hoặc bong gân cha mẹ cần đắp khăn lạnh hoặc chườm đá cho bé.
  • Nếu bé gặp các vết thương hở hoặc chảy máu thì người lớn cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý và hoặc nước sát trùng và băng ép lại.
  • Với những tai nạn năng gây ra gãy xương và chấn thương sọ não người lớn cần gọi cấp cứu 115 hoặc nhân viên y tế gần nhà.
  • Gọi hỏi trẻ xem còn tỉnh táo. Nếu ngưng tim ngưng thở thì hà hơi, thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực để cấp cứu. Cần cho trẻ nằm bất động vùng xương gãy để tránh tổn thương nặng hơn.

Trong khi di chuyển trẻ hoặc chờ bác sĩ đến cần lưu ý:

  • Không di chuyển trẻ, nhất là những trường hợp gãy cột sống cổ khi di động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tính mạng,
  • Đặt trẻ nằm thẳng, đầu hơi thấp hơn chân, nghiêng mặt về một bên để trẻ có thể nôn trớ, hoặc máu không chảy vào miệng, tránh ho sặc.
  • Không cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì.

Tai nạn bỏng

Trẻ có thể bị bỏng nước sôi do chạm tay, đụng đổ nồi nước sôi, nồi canh, bình trà đang nấu hay để trên bếp, trên bàn. (Ảnh minh hoạ)

Tình huống thường gặp

Trẻ có thể bị bỏng nước sôi do chạm tay, đụng đổ nồi nước sôi, nồi canh, bình trà đang nấu hay để trên bếp, trên bàn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bỏng do nhang, đèn dầu, đèn cầy thắp khi cúng hay bị phỏng điện do nghịch phá đèn chớp tắt trang trí. Hoặc, trẻ cũng có thể bị bỏng do bàn ủi. Cụ thể, khi ba mẹ ủi đồ chuẩn bị mặc đi chơi Tết, rồi bất cẩn để bàn ủi đi làm việc khác, trẻ chạy chơi qua sẽ bị ngã, chạm phải gây chấn thương, bỏng. Hoặc bị bỏng bô xe máy.

Cách xử lý

Bỏng nước sôi, bỏng lửa: Phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, làm mát vết bỏng khoảng 15-10 phút. Nước sạch có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.

Tiếp đến, phụ huynh tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng, che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc người lớn có thể dùng vải sạch, làm biện pháp tâm lý cho trẻ bớt hoảng sợ. Sau đó, phụ huynh cho trẻ uống nước, đặt bé ở tư thế nằm. Nếu vết bỏng nặng hơn, cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ điều trị kịp thời.

Bỏng bô xe máy: Tương tự bỏng nước sôi, phụ huynh cần an ủi để trẻ hợp tác khi xử lý vết bỏng. Tiếp đó, làm mát vùng da bị bỏng dưới vòi nước trong vài phút, bôi thuốc mỡ lên vết bỏng. Những ngày sau đó, phụ huynh nên băng vết bỏng lại, thoa thuốc bôi vào bông băng trước khi băng sẽ giúp bé đỡ đau hơn. Phụ huynh nên thay băng thường xuyên và rửa vết thương bằng nước muối một lần mỗi ngày. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng hoặc trẻ gặp phải bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế.

Cách phòng tránh

Hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ. Khi là quần áo xong, phải để bàn là xa tầm với của trẻ, tốt nhất nên có người giữ trẻ.

Uống nhầm, ăn nhầm

Các tình huống thường gặp

Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng, chẳng hạn chai nước ngọt đựng dầu hỏa dự trữ ngày Tết để châm đèn dầu, chai nước tro tàu làm bánh hoặc các bã độc, thức ăn trộn thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc an thần, động kinh... dẫn đến ngộ độc có thể ảnh hưởng tính mạng.

Cách xử lý

Đối với trường hợp bé bị ngộ độc do uống nhầm hóa chất, ba mẹ nên tạo điều kiện cho bé nôn ra. Tuy nhiên, ba mẹ tuyệt đối không móc họng con để tránh gây trầy xước, hoặc chảy máu trong họng của con nhé. Để đảm bảo an toàn cho con, ba mẹ nên tranh thủ đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Không chỉ gặp các tai nạn thương tích, ngày Tết trẻ còn có nguy cơ bị điện giật. Theo các chuyên gia y tế, để chuẩn bị đón Tết, các gia đình hay trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai; hoặc những ổ cắm điện không có thiết bị bảo vệ rất dễ gây nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.

Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù trong môi trường gia đình, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn.

Do đó, trong việc phòng chống tai nạn thương tích, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Vân Anh (Tổng hợp)

Tin mới