Theo tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trà sữa thông thường gồm 3 thành phần chính là trà, sữa, trân châu.
Các loại trà cơ bản thường được sử dụng trong trà sữa bao gồm trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long. Nếu sử dụng trà chất lượng tốt, chúng chứa nhiều các chất chống oxy hóa tác dụng chống viêm và chống ung thư. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng lại thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị hấp dẫn.
Nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thể các loại hương liệu trên sẽ có các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P - dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ).
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn.
Về thành phần sữa trong cốc trà sữa, trừ những thương hiệu nổi tiếng sử dụng các loại sữa tươi, sữa đặc thì đa số thương hiệu nhỏ đều dùng kem béo (không phải sữa). Loại kem béo này so với sữa thì lượng canxi, vitamin A, D, hàm lượng protein so với sữa cũng rất thấp.
Kem béo này chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể gây tác động tiêu cực tới sức khỏe như làm tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.
Thành phần thứ 3 trong trà sữa là trân châu, hạt này chủ yếu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein.
Do thành phần chủ yếu là từ tinh bột nên dù nhìn những hạt trân châu này nhỏ bé, nhưng lại nhiều năng lượng. Một hạt trân châu chứa tới 5-14 kcal mỗi viên. Thông thường, một cốc trà sữa thường được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp tới 100 kcal. Tuy nhiên, về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.
Một ly trà sữa trân châu có thể chứa tới 50g đường (cung cấp 200 kcal calo). Đó là chưa kể tới lượng calo mà sữa và trân châu đem lại.
Ngày nay, thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), ví dụ như pudding trứng, kem phô mai, thạch… Tùy từng loại mà lượng calo trong mỗi loại sẽ tăng lên hoặc giảm đi, so với trân châu, kem phô mai có thể sẽ chứa nhiều năng lượng hơn, thạch có thể sẽ chứa ít năng lượng hơn.
Nếu uống trà sữa hương vị hoa quả, các cửa hàng còn cho thêm siro trái cây. Đây cũng là nguồn cung cấp calo cho cơ thể. Tổng cộng, một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal.
Lứa tuổi học sinh đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, thì việc uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển.
Bên cạnh những nguy cơ năng lượng dư thừa, trà sữa cũng có những nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số cửa hàng trà sữa trân châu vì lợi ích không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Hương vị không khác với trà tự nhiên nhưng nó tạo ra từ các chất tổng hợp hóa học.
Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng hạn chế thì không nguy hại nhiều tới sức khỏe. Còn dùng thường xuyên trong thời gian dài, chúng sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận.
Thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, một loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hormone nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng.
Một ly trà sữa trân châu có thể sẽ chứa tới 50g đường.
Nhiều người vì yêu thích món trà sữa nhưng sợ nguồn gốc không đảm bảo nên mua nguyên liệu về tự chế. Sữa kết hợp với trà không đúng cách sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà.
Ngoài ra, đồ uống này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh nguy cơ thừa năng lượng, gây tổn thương gan, thận và vô sinh, trà sữa được sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vấn đề này không đến từ trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này.
Chuyên gia khuyến cáo, để uống trà sữa vẫn tốt cho sức khỏe chúng ta nên chọn trà sữa đảm bảo các tiêu chí như chế biến tại các cửa hàng uy tín, sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại ít đường hoặc không đường, sử dụng sữa tươi để pha trà sữa, không phải sữa đặc hay kem béo.