Công dụng của cây lược vàng
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y. Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, lược vàng còn có tên gọi khác là lan vòi, địa lan vòi, lan rũ, cây bạch tuộc, rai lá phất dũ, giả khóm. Tên khoa học là callisia fragrans (Lindl.) Woodson, họ Thài lài (Commelinaceae).
Cây lược vàng vị nhạt, chua nhẹ, tính mát, ít độc. Dược liệu có khả năng tác động đến kinh Phế.
Y học cổ truyền ghi nhận, lược vàng thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế, tiêu viêm, hóa đàm, lợi thủy. Chủ trị các chứng bệnh như mụn nhọt, ho, viêm họng, đau nhức xương khớp, nóng trong người, tiểu đường, viêm loét dạ dày.
- Cách sử dụng cây lược vàng: Nhai sống, sắc uống, ngâm rượu uống hoặc xoa bóp bên ngoài, giã đắp ngoài.
- Liều dùng cây lược vàng: Ngày dùng 3- 9 lá tươi hoặc 3 chén nhỏ rượu ngâm từ lá và thân cây lược vàng.
Lược vàng có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nhưng cần sử dụng đúng cách
Tác hại của cây lược vàng
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, song song với tác dụng chữa bệnh thì cây lược vàng cũng tiềm ẩn không ít tác hại. Vậy tác hại của cây lược vàng là gì?
Tăng phản ứng viêm
Mặc dù trong cây lược vàng chứa hoạt chất flavonoid tác dụng giảm đau, kháng viêm và an thần nhưng nghiên cứu của Viện Dược liệu, đứng đầu là tiến sĩ Nguyễn Minh Khởi, tiến sĩ Trịnh Thị Điệp lại cho thấy cao chiết cồn 50% từ thân cây lược vàng lại làm tăng phản ứng viêm.
Còn về đặc tính kháng khuẩn thì cao chiết của lá và thân cây lược vàng vẫn có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus, tuy nhiên, phải sử dụng với nồng độ rất cao so với kháng sinh thì mới mang lại hiệu quả.
Độc tính cấp
Đây chính là một trong những tác hại của cây lược vàng mà mọi người tuyệt đối không được chủ quan. Khi làm thí nghiệm trên chuột thì kết quả cho thấy nếu dùng 2.100g lá tươi/kg thể trọng thì làm chết 50% số chuột, còn dùng 3.000g lá tươi/kg thể trọng thì toàn bộ số chuột thí nghiệm đều chết.
Mặc dù đây chỉ là thí nghiệm trên động vật và liều dùng trên chuột không phải là liều dùng trên người nhưng cũng là lời cảnh báo cho những ai đang có ý định sử dụng cây lược vàng để chữa bệnh.
Lưu ý khi sử dụng cây lược vàng
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nắm bắt được tác hại của cây lược vàng sẽ giúp bạn thận trọng hơn khi sử dụng loài cây này để chữa bệnh.
Theo đó, bạn không được bỏ qua những lưu ý quan trọng sau nếu đang có ý định dùng cây lược vàng như dược liệu.
- Không nên loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng cây lược vàng để chữa bệnh, nhưng tốt nhất vẫn là tham khảo ý kiến của bác sĩ hay thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng cây lược vàng chữa bệnh để phòng tránh tối đa các rủi ro và biến chứng, nhất là khi thí nghiệm cho thấy cây lược vàng có độc tính.
- Liều dùng được đánh giá là an toàn của cây lược vàng là từ 3 - 4 lá/ ngày. Không nên dùng hơn 5 - 6 lá/ ngày để tránh các tác hại của cây lược vàng.
- Tuyệt đối không xay lá cây lược vàng rồi uống như rau má hay nước ép vì việc này có thể khiến bạn bị ngộ độc cấp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
- Người miễn dịch yếu, mắc bệnh nền hay phụ nữ có thai tốt nhất là không dùng cây lược vàng để an toàn cho sức khỏe.
- Nên dừng sử dụng cây lược vàng khi cơ thể xuất hiện những bất thường, sau đó nhanh chóng đi khám để được bác sĩ kiểm tra và điều trị, phòng tránh các biến chứng và rủi ro.
Trên đây là những tác hại của cây lược vàng. Hãy sử dụng cây lược vàng đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé!