Người dân Hà Nội thường xuyên chịu thảm cảnh ùn tắc khi tham gia giao thông. (Ảnh: Đắc Huy).
Trả lời PV VTC News về những hệ quả của tắc đường đến với tâm lý con người, bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cho biết, ùn tắc giao thông gây ra tiếng ồn, khói bụi, nóng nực… ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người đi đường.
“Đã có những nghiên cứu khoa học chỉ rõ, những tác nhân như tiếng động cơ, tiếng còi xe, thời tiết nóng nực… ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần gấp 2-4 so với các tác nhân xã hội khác”, bác sĩ La Đức Cương nói.
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 nêu ví dụ, tắc đường khiến những bậc cha mẹ đưa đón con đi học muộn, nhân viên công sở đi làm muộn, thương nhân không kịp đến phiên chợ để buôn bán… ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống, công việc khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, bức xúc, căng thẳng…
“Những yếu tố khiến cho con người mang tâm lý không thoải mái sẽ dẫn đến tình trạng sang chấn tâm lý. Tắc đường cũng là nguyên nhân khiến người tham gia giao thông không thoải mái. Nếu cứ tắc đường triền miên từ ngày này qua tháng khác sẽ tạo nên sang chấn tâm lý trường diễn, đó là nguyên nhân, yếu tố thúc đẩy các bệnh lý tâm thần”, bác sĩ Cương nhấn mạnh.
Ông Cương nêu rõ, nếu sang chấn tâm lý lặp đi lặp lại, kéo dài, người không thích nghi được sẽ không chỉ hay cáu gắt, ức chế, mà còn có thể bị đau đầu, chóng mặt, mất ngủ...
Nhiều người còn dẫn đến stress và các rối loạn về tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn trầm cảm... Các rối loạn tâm thần liên quan stress là một mã bệnh trong tâm thần học cùng rối loạn tâm thần do ma túy, rối loạn tâm thần liên quan các thói quen...
“Đó là một dạng bệnh lý về tâm thần. Hà Nội và các đô thị khác nếu cứ để tình trạng tắc đường triền miên, nhiều người dân có thể sẽ mắc bệnh lý về tâm thần”, ông Cương nói.
Theo bác sĩ La Đức Cương, khi tắc đường, nhiều người bất chấp luật lệ, bấm còi inh ỏi, luồn lách, leo vỉa hè, không ai chịu nhường ai… khiến ùn tắc càng nghiêm trọng. Vậy nên khi có va chạm, người ta khó có thể kiềm chế được cảm xúc, nảy sinh tranh cãi, sử dụng bạo lực để giải quyết. Hành vi dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn giao thông đang ngày càng tăng cao khi người ta sẵn sàng cầm dao đâm chết người chỉ vì va chạm nhỏ trên đường.
“Chưa kể sự ức chế, căng thẳng không được giải toả mà cứ tích tụ sẽ sinh ra những ứng xử không hòa nhã đối với đồng nghiệp, rồi cả mâu thuẫn gia đình khi về đến nhà”, ông Cương cho hay.
Tắc đường triền miên từ ngày này qua tháng khác sẽ tạo nên sang chấn tâm lý trường diễn, đó là nguyên nhân, yếu tố thúc đẩy các bệnh lý tâm thần.
Bác sĩ La Đức Cương.
Bên cạnh những ảnh hưởng về sức khoẻ tâm thần, bác sĩ La Đức Cương cho biết, tắc đường còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất.
Ông Cương thông tin, Hiệp hội đái tháo đường thế giới công bố, nguyên nhân đầu tiên của bệnh đái tháo đường không phải là ăn nhiều đường, cũng không phải bệnh lý nguyên phát từ tuyến tuỵ, mà phải kể đến sang chấn tâm lý.
“Khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline (hormone căng thẳng). Tuy nhiên, chúng cũng có tác dụng đối kháng insulin, làm giảm tác dụng của kiểm soát đường huyết của insulin dẫn đến lượng đường tăng lên trong máu. Mà tắc đường cũng là tác nhân gây nên sang chấn tâm lý”, ông Cương nói.
Có cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho rằng, trong cảnh tắc đường như hiện nay, việc hít phải khí thải động cơ thôi cũng đủ mắc rất nhiều bệnh, vì khí thải động cơ có rất nhiều độc tố.
“Khí thải ra từ ống xả động cơ xe có khí CO, đây là khí độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe con người, tuy nhiên do triệu chứng ban đầu không rõ ràng nên chúng ta không thể biết ngay được”, ông Duệ nói.
Theo nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngoài khí CO, ống xả còn thải ra xăng dầu không đốt cháy hết và các loại kim loại.
“Những khí độc này khiến chúng ta xuất hiện những bệnh cảm cúm, ho thông thường cho đến bệnh ung thư, cũng như nhiều bệnh lý khác”, ông Duệ khuyến cáo.
Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều mệt mỏi khi gặp cảnh mắc kẹt giữa dòng xe cộ chật như nêm.(Ảnh: Đắc Huy).
Tắc đường ảnh hưởng não bộ và DNA di truyền
Theo bài viết The Hidden Toll of Traffic Jams (Tạm dịch: Con số ẩn giấu của ùn tắc giao thông) được đăng trên tờ The Wall Street Journal (Mỹ), các nhà khoa học ở Hà Lan rút ra kết luận rằng tiếp xúc tình trạng ô nhiễm do ùn tắc giao thông kéo dài trong khoảng 90 ngày đủ làm thay đổi DNA của con người.
Trong đó, mỗi 30 phút tiếp xúc khói bụi được tạo ra từ tắc nghẽn giao thông sẽ dẫn đến sự gia tăng điện não. Điều này có thể làm thay đổi và suy thoái hành vi, nhân cách, gây căng thẳng, khiến con người đưa ra quyết định sai lầm…
Tương tự, những người già tiếp xúc các nguy cơ nói trên sẽ dẫn tới vấn đề về khả năng logic, lý luận, cũng như khả năng ghi nhớ. Theo đó, khói, khí thải và các hạt trong chất ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây viêm một số phần của não bộ và có thể dẫn đến bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson.
Những người lớn thường xuyên phải lái xe, tiếp xúc và hít phải khí carbon monoxide (CO) cũng có thể bị các vấn đề tâm lý. Khi hít khí CO, nó sẽ đi qua phổi và liên kết với hemoglobin (huyết sắc tố), điều này làm giảm lượng oxy đến tim và não, do đó ảnh hưởng đáng kể các chức năng của não bộ và khả năng phản xạ của các thành phần khác trên cơ thể.
Ngoài ra, mức độ căng thẳng, lo lắng và sợ hãi cũng gia tăng. Một số triệu chứng khác liên quan thể chất bao gồm lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi, tăng nhịp tim, đau đầu và buồn nôn.
“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng não”, nhà dịch tễ học y tế Heather Volk tại Trường Y khoa Keck, Mỹ, cho biết.
Xem xét hồ sơ khai sinh, bà Heather Volk và các đồng nghiệp đã tính toán rằng những đứa trẻ được sinh ra từ bà mẹ sống trong phạm vi khoảng 1.000 feet (hơn 300 m) quanh đường cao tốc ở Los Angeles (Mỹ) đối mặt nguy cơ mắc bệnh tự kỷ gấp đôi người lớn.
Giáo sư Frederica Perera đến từ Đại học Columbia cũng bàn luận mối liên hệ giữa các tác nhân ô nhiễm trong khói xe đối với sức khỏe trẻ em ngay từ khi còn trong bào thai.
Khảo sát cho thấy trẻ em sống trong những khu vực đô thị có tỷ lệ ô nhiễm khói xe cao đạt số điểm trung bình tương đối thấp trong bài kiểm tra chỉ số thông minh và dễ mắc phải chứng tâm lý như trầm cảm, lo âu và thiếu tập trung hơn so với trẻ em sống ở khu vực có không khí trong lành hơn - kết quả nhiều công trình nghiên cứu ở thành phố New York, Boston (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Krakow (Ba Lan).