Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Súng bắn tỉa Barrett sẽ chỉ còn là kí ức của Lực lượng đặc nhiệm Mỹ

(VTC News) -

Là khẩu súng huyền thoại đã chứng minh được sức mạnh trên nhiều chiến trường, tuy nhiên Lực lượng đặc nhiệm Mỹ sắp phải ngừng sử dụng khẩu súng này.

Súng bắn tỉa Barrett được đánh giá rất cao nhờ sức mạnh và độ chính xác, là một trong những biểu tượng trong lĩnh vực vũ khí cá nhân và súng đặc biệt nổi tiếng với loại đạn cỡ nòng .50 BMG (12,7×99).

Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Mỹ (SOCOM) có thể sẽ loại bỏ khẩu súng trường danh tiếng này cũng như loại đạn cỡ nòng .50 BMG, khi cơ quan này tiến hành đánh giá toàn diện.  

Quá trình chuyển đổi này là một phần của sáng kiến ​​Súng trường bắn tỉa tầm xa tiên tiến, một kế hoạch nhằm tạo ra loại súng bắn tỉa mới cho phép tấn công chính xác từ khoảng cách 2,5 km trở lên. Những thông tin hiện tại cho thấy SOCOM đang quan tâm đến Hệ thống chiến thuật M30 (M30-TS), một thiết kế cải tiến với cơ chế khối trượt và cỡ nòng .375 EnABELR.

Cốt lõi của hệ thống này đến từ cấu tạo của viên đạn. Nó bắt đầu được phát triển vào năm 2018, viên đạn đáp ứng các yếu tố cả về tốc độ và khả năng xuyên phá. Viên đạn mới có trọng lượng 24,55 gram, khi được bắn từ cỡ nòng 30 mm của khẩu súng trường 1/7, nó sẽ đạt vận tốc rất cao lên tới 911,35 m/s.

Súng bắn tỉa M30-TS.

Trở lại lịch sử

Lý do để giới chỉ huy quân sự Mỹ chọn loại đạn mới này xuất phát từ khả năng và cấu tạo đặc biệt của nó. Điểm gây ấn tượng nhất là kích thước nhỏ gọn hơn so với đạn .50 BMG, một tính năng thiết yếu trong các hoạt động của lực lượng đặc biệt. Các đơn vị đặc biệt thường tác chiến độc lập trong thời gian dài và không thường xuyên nhận được hỗ trợ của cấp trên, vì vậy với loại đạn có kích thước nhỏ hơn, họ có thể mang theo cơ số đạn lớn hơn, đảm bảo thời gian tác chiến lâu hơn. 

Thật vậy, nguồn gốc của đạn .50 BMG đã có từ rất lâu. Loại đạn này còn được làm lễ kỷ niệm tròn 100 năm ngày chính thức được đưa vào biên chế của Quân đội Mỹ vào năm 1921. Tuy nhiên, quá trình phát triển của loại đạn này đã bắt đầu từ cuối những năm 1910 và tên gọi BMG là từ viết tắt của súng máy M2 Browning. 

Điều thú vị là loại đạn này từng được sử dụng phổ biến bởi các loại súng máy cỡ nòng lớn, nhưng sau đó nó lại trở thành lựa chọn ưa thích cho súng bắn tỉa. Các chuyên gia quân sự cho rằng, sự phát triển này có thể đã bắt đầu từ thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên hoặc thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, khi đó súng máy M2 Browning được trang bị ống ngắm bắn tỉa chính xác để bắn ở những khoảng cách cực xa. 

Vào những năm 1980, Barrett M82 được chế tạo để sử dụng đạn 0.50 BMG. Tuy nhiên, phải đến mùa hè năm 2002, nó mới vượt qua được cuộc thử nghiệm của quân đội và chỉ sau đó nó mới được lực lượng vũ trang Mỹ chính thức sử dụng với tên gọi Barrett M107. Vào thời điểm này, viên đạn bắn tỉa chuyên dụng với cỡ nòng .50 BMG mới được phát triển.

Đạn cỡ nòng .50 BMG.

Như vậy, viên đạn cỡ nòng 0.50 BMG sau gần 100 năm tồn tại đã được hồi sinh với vai trò mới và đem lại hiệu quả bất ngờ khi kết hợp với khẩu súng bắn tỉa huyền thoại Barrett. Trong Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Mỹ, khẩu Barrett với những viên đạn cỡ nòng .050 là trang bị không thể thiếu của bất cứ đội hình tác chiến độc lập nào.

Barrett M107

Barrett M107 nổi tiếng với độ chính xác tầm xa và uy lực của đầu đạn. Nó có thể tấn công chính xác các mục tiêu cách xa hơn 2.000 mét, khẳng định mình là một trong những vũ khí cá nhân có sát thương tầm xa mạnh nhất trên thế giới. Hiệu quả này phần lớn nhờ vào loại đạn .50 BMG nổi tiếng với vận tốc cực lớn và sức công phá khủng khiếp.

Súng trường hoạt động theo cơ chế giật, bán tự động. Có nghĩa là, độ giật được tạo ra khi bắn một viên đạn sẽ đẩy vỏ đạn đã sử dụng ra ngoài và nạp viên đạn mới vào buồng súng. Cấu tạo này tạo điều kiện cho các phát bắn tiếp theo nhanh hơn so với súng trường bắn tỉa thông thường. 

Súng bắn tỉa Barrett M107 còn được gắn thiết bị giảm giật ở đầu nòng súng, nhằm mục đích giảm độ giật khi bắn. Tính năng này giúp tăng cường khả năng kiểm soát cho người sử dụng và tính ổn định khi bắn nhanh. Súng trường M107 còn bao gồm một hộp tiếp đạn có thể tháo rời, chứa tối đa 10 viên đạn.

Binh sĩ Mỹ đang luyện tập với một khẩu Barrett

Mặc dù có sức mạnh và tầm bắn ấn tượng nhưng M107 vẫn có những nhược điểm cố hữu. Với trọng lượng khoảng 12 kg khi không có đạn, khẩu súng trường này rất nặng, khiến việc cơ động và vận chuyển trên chiến trường trở nên khó khăn.

Hơn nữa, loại đạn .50 BMG cũng khá nặng, nó cũng góp phần không nhỏ làm tăng thêm trọng lượng tổng thể của khẩu súng, cũng như tải trọng mà người lính phải mang theo. 

Bất chấp những nhược điểm, Barrett M107 vẫn là một vũ khí đáng gờm, nhận được sự tôn trọng và được sử dụng phổ biến bởi nhiều lực lượng quân sự trên toàn thế giới. Tầm bắn xa, uy lực mạnh và cơ chế hoạt động bán tự động khiến Barrett trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều tay súng bắn tỉa và thiện xạ, góp phần làm nên tên tuổi của khẩu súng này trên các chiến trường.

Lê Hưng (Nguồn: Bulgarian Military)

Tin mới