Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sự thật vụ tìm thấy mộ Trạng Trình: Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định thẻ tre không có chữ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định không có chữ trên thẻ tre lấy từ trong chiếc ‘hộp gỗ’ được ‘nhà ngoại cảm’ ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phán là mộ Trạng Trình.

Liên quan đến vụ việc tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở vườn nhà bà Bùi Thị Hiền (thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã có kết luận về chiếc thẻ tre lấy ra từ ‘hộp gỗ’ được cho là chiếc ‘quách’ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Theo đó, Công văn số 06/CV, ngày 17/1/2017 về việc đề nghị đọc thẻ tre của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đề nghị Viện Nghiên cứu Hán Nôm đọc, dịch các chữ trên thẻ tre (trong ván hậu của ấm quách gỗ cổ tìm thấy ngày 7/1/2017) và xác nhận kết quả một số nhà Hán Nôm đã dịch.

 Chiếc thẻ tre do Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng chụp và khẳng định trên bề mặt thẻ tre không có chữ

Sau khi tiếp nhận công văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã cử đoàn công tác do PGS.TS Nguyễn Công Việt (Phó chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện) chủ trì công việc này.

Các thành viên trong Hội đồng khoa học của Viện đã tiến hành làm việc theo yêu cầu ghi trong công văn của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, gồm khảo sát thực địa, xem xét mẫu vật, chụp ảnh mẫu vật (thẻ tre) và họp hội đồng để đọc và xác định dấu vết trên mẫu vật.

Qua 3 lần làm việc, đến 12h ngày 8/2/2017, Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có biên bản kết luận: “Có dấu vết vật chất bám trên bề mặt mẫu vật” và khẳng định: “Không tìm thấy dấu vết chữ Hán, chữ Nôm trên bề mặt mẫu vật”.

 Văn bản trả lời của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 Trong đó kết luận: “Có dấu vết vật chất bám trên bề mặt mẫu vật” và khẳng định: “Không tìm thấy dấu vết chữ Hán, chữ Nôm trên bề mặt mẫu vật”.

Vậy mà ngày 17/2/2017, trên Báo Công an Nhân dân (điện tử), có đăng bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam) với tựa đề “Thông tin thêm về việc phát hiện mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm" trong đó, vẫn nhắc đến chiếc thẻ tre được tìm thấy trong chiếc quách gỗ và được “Nhà thư pháp Lê Thiên Lý (Hải Phòng) đọc được chữ Đạt (tên húy của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm) qua tấm ảnh chụp của tôi được phóng to".

Sau đó, chiếc thẻ được đưa về Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định là có chữ, nhưng rất khó đọc vì nhiều chữ mất nét, hoặc quá mờ.

  TS. Cung Khắc Lược và PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đang nghiên cứu các chữ qua ảnh chiếc thẻ tre. (Ảnh: Báo CAND)

"Vì các mảnh của tấm quách bị rời ra nên sau khi chúng tôi kiểm tra rất kỹ, thấy không có dấu vết gì khác mới tiến hành cho ghép lại, do họa sĩ Đào Ngọc Hân trực tiếp thực hiện. 

Tranh thủ lúc chờ đợi, tôi mời nhà nghiên cứu Hán học TS.Cung Khắc Lược (Nguyên là cán bộ Viện Hán Nôm, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tới xem các ảnh chiếc thẻ tre của tôi chụp hôm 7/1/2017.

Sau gần nửa giờ, cụ Cung Khắc Lược đã lần lượt đọc được các chữ: MẠC  TRIỀU  TRẠNG  NGUYÊN  MỘ  TẠI AO  DƯƠNG.” – Báo CAND dẫn lời.

Những hình ảnh này do do Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người  'phát tán' lấy từ đâu ra? 

Ngày 21/2/2017, Báo điện tử VTC News đã đăng bài: “Vụ tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng 'ngoại cảm': Có việc ngụy tạo hiện vật?”, trong đó nêu ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia sử học, bảo tàng, khảo cổ đều khẳng định chiếc thẻ tre không hề có chữ.

Vậy, những chữ “Mạc Triều Trạng Nguyên Mộ Tại Ao Dương” hay “chữ Đạt (tên húy của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm)” lâu nay đang được nhắc đến trên truyền thông, do các nhà Hán Nôm, nhà thư pháp... đọc được ở đâu ra?

Chúng tôi đặt nghi vấn, có hay không việc đã có kẻ ngụy tạo “Có dấu vết vật chất bám trên bề mặt mẫu vật”? và mục đích của những người tung tin, phát tán tài liệu về vụ việc này, về chiếc thẻ tre có chữ nhằm mục đích gì?

Việc này rất cần cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ! 

Video: Tận thấy 'đại bản doanh' của 'nhà ngoại cảm' phán tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Minh Khang - Minh Hải

Tin mới