Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sự thật về tà đạo ‘Giê sùa’ và ‘Bà cô Dợ’ ở Điện Biên

(VTC News) -

Bản chất của hai tà đạo này là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc Kinh thánh, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông".

5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện những hiện tượng mang màu sắc tôn giáo có tên gọi “Giê sùa” và “Bà cô Dợ”.

Lợi dụng đời sống của bà con người Mông còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, địa bàn sinh sống không tập trung... các đối tượng xấu ở nước ngoài đã đẩy mạnh việc tuyên truyền tà đạo "Giê sùa" và "Bà cô Dợ"- hình thức biến tướng của Tin lành với bản chất là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông".

Hình thức tuyên truyền là triệt để lợi dụng mạng internet và mạng xã hội. Vậy đây có phải là “tôn giáo” mới dành riêng cho người Mông ở các bản làng rẻo cao của tỉnh Điện Biên?

Một buổi sinh hoạt tôn giáo hợp pháp ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Coi "Giê sùa" là tôn giáo dành riêng cho người Mông

Trên thực tế, qua điều tra của các cơ quan chức năng, từ năm 2015, Hờ Chá Sùng, khoảng 50 tuổi, người Mông gốc Lào, hiện đang sinh sống ở bang California, Mỹ liên tục đăng tải, tán phát các bài viết tuyên truyền, xuyên tạc Kinh thánh như: chuyển ngày sinh hoạt từ Chủ nhật sang sáng thứ 7 hàng tuần, không thừa nhận tên chúa là Giê su mà gọi là "Giê sùa"; không thừa nhận các nhân vật Adam và Eva trong Kinh thánh mà thay thế bằng nhân vật khác có tên là “chàng Ong” và “cô Ía” theo truyền thuyết của người Mông; không tổ chức lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh hàng năm; đả kích và không thừa nhận các tôn giáo khác, mà cho là chỉ có "Giê sùa" mới là tôn giáo thật, chính thống, kiêng ăn một số loài động vật như thịt lợn và một số loài cá không có vảy: … . Đặc biệt, họ công khai lôi kéo người trên trang thông tin điện tử phản động tiếng Mông và trang Youtube.com.

Trong một số bài tuyên truyền, Hờ Chá Sùng đề cập đến việc coi tà đạo "Giê sùa" là tôn giáo dành riêng cho người Mông; kêu gọi người Mông tin theo "Giê sùa" và kích động người Mông ở các nơi về tỉnh Xiêng Khoảng, Lào chiến đấu, xây dựng "Nhà nước Mông", như: "Đức Chúa trời Giê Hô Va đã chia đất cho người Mông nhưng người Mông không đoàn kết nên đất đai đã bị các nước khác xâm chiếm; người Mông không có lãnh thổ, nhà nước riêng, suốt đời đi làm thuê cho các dân tộc khác; Hờ Chá Sùng nhận mình chính là người đưa tin của chúa "Giê sùa" và biết trước về ngày chúa "Giê sùa" sẽ tái lâm trong thời gian tới và sẽ làm Vua của dân tộc Mông. Ai tin tưởng đi theo chúa "Giê sùa" thì có được đất nước riêng của người Mông, cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc….

Do bị ảnh hưởng luận điệu tuyên truyền trên, thời điểm cao nhất trên địa bàn Điện Biên có gần 200 hộ, khoảng 1.230 người tin theo, tập trung ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tuần Giáo và Điện Biên Đông. Một số điểm nhóm theo "Giê sùa" đã công khai cầu nguyện, mong muốn chúa "Giê sùa" về phù hộ, dẫn dắt để có được "Nhà nước Mông".

Nhiều kẻ cầm đầu đã chỉ đạo việc thu thập các thông tin vu cáo chính quyền đàn áp, tiêu diệt người Mông gửi cho các tổ chức phản động ở bên ngoài nhờ can thiệp, giúp đỡ.

Lợi dụng đời sống của bà con người Mông còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, địa bàn sinh sống không tập trung... các đối tượng xấu ở nước ngoài đã đẩy mạnh việc tuyên truyền tà đạo.

Lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông"

Từ năm 2018 đến nay, Vừ Thị Dợ, khoảng 50 tuổi, người Mông đang sinh sống tại thành phố Milwaukee, bang Wiscosin, Mỹ đăng tải, tán phát nhiều đoạn video  tuyên truyền con trai của mình là Chúa Giê su tái lâm và đến năm 2018 (khi đủ 18 tuổi) sẽ làm vua của người Mông; lập ra nhóm đạo có tên là Đức Chúa trời yêu thương chúng ta (tên gọi khác là Bà cô Dợ) và lôi kéo mọi người tin, tham gia nhóm đạo trên để tập hợp lực lượng, lập nhà nước riêng của người Mông.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Vừ Thị Dợ đã 12 lần gửi tiền về nước với tổng cộng hơn 340 triệu đồng cho 2 đối tượng ở huyện Mường Nhé để phục vụ hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người tin theo.

Như vậy bản chất của tà đạo này là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông".

Thời điểm cao nhất có 55 hộ, khoảng 340 người theo tà đạo "Bà cô Dợ" ở các huyện Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ… Có 8 kẻ cầm đầu cốt cán, tập trung hoạt động ở 7 nhóm vào chủ nhật hàng tuần.

Những hệ lụy của tà đạo “Giê sùa” và “Bà cô Dợ”

Tà đạo xâm nhập phát triển ở Điện Biên đã gây ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn huyện Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.

Một số đối tượng cầm đầu cốt cán lợi dụng niềm tin tôn giáo để lôi kéo người tham gia tà đạo "Giê sùa", "Bà cô Dợ" với mục đích tập hợp lực lượng ly khai tự trị lập Nhà nước riêng, gây chia rẽ giữa người Mông với các dân tộc khác.

Mặt khác, nhiều đối tượng bị các thế lực thù địch lợi dụng để tham gia vào các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, chống đối chính quyền.

Công khai lôi kéo người tham gia tà đạo "Giê sùa" trên trang thông tin điện tử phản động tiếng Mông.

Hai tà đạo nói trên xâm nhập vào địa bàn tỉnh Điện Biên đã gây ra sự mâu thuẫn, xung đột ngay với các tổ chức, hệ phái Tin lành khác, coi các tôn giáo khác là tà giáo, còn bản thân tự nhận là tôn giáo chính thống của người Mông. Không những thế, tà đạo xâm nhập vào địa bàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chế độ chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Một số đối tượng theo tà đạo "Bà cô Dợ", "Giê sùa" không cần sự hỗ trợ các chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nhất là việc từ chối khoản tiền hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Chủ động đấu tranh hoạt động tôn giáo trái pháp luật

Vàng A Sình, 32 tuổi ở bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé từng bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào cuộc tụ tập đông người tại huyện Mường Nhé vào năm 2011.

Không chịu nổi cảnh sinh hoạt tạm bợ trong một không gian chật hẹp, ô nhiễm môi trường, hai vợ chồng Sình và 3 đứa con đã bỏ về nhưng các đối tượng xấu quyết chặn lại.

Sình và gia đình chỉ được giải thoát khi các cơ quan chức năng xuất hiện.

Dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước trong những năm qua song, đến năm 2017, gia đình Vàng A Sình và khoảng 20 hộ dân trong bản lại bị lôi kéo tham gia vào tà đạo “Bà cô Dợ”.

Họ được tuyên truyền rằng, nhà nào không có tiền để làm nhà hay mua trâu bò, sẽ được “Bà cô Dợ” giúp đỡ.

Bản thân Vàng A Sình đã 2 lần nhận được tiền thông qua một đối tượng trong bản (nhận tiền gửi từ nước ngoài) với số tiền 7 triệu đồng.

Vàng A Sình - bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

“Nhận được tiền rồi thì phải làm theo “Bà cô Dợ” thôi, tức là phải rủ thêm những người khác cùng tham gia “Bà cô Dợ”.

Mỗi lần nhận tiền hoặc rủ được thêm người thì phải quay phim để gửi cho một số người ở nước ngoài.

Sau này, tôi được tuyên truyền thì biết việc làm này là xấu và cuối năm 2018, tôi đã quay trở về với đạo cũ của mình là Tin lành liên hữu Cơ đốc”, Vàng A Sình cho hay.

Cũng chính tại bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, cơ quan chức năng triệu tập đấu tranh làm rõ Thào A Chang được Vừ Thị Dợ ở Mỹ (đối tượng cầm đầu tuyên truyền, lôi kéo người theo tà đạo "Bà cô Dợ") 12 lần gửi tiền với tổng số tiền hơn 340 triệu đồng để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền lôi kéo.

Cho đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên đã truy bắt, xử lý 3 đối tượng cầm đầu, cốt cán hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người theo tà đạo "Giê sùa", trong đó khởi tố 1 bị can "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", 2 bị can về tội "Che giấu tội phạm", đã có tác động rất lớn đối với quần chúng tín đồ tin theo tà đạo "Giê sùa".

Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, mục đích chính của hai tà đạo này là tập hợp lực lượng, xây dựng trụ cột là người Mông.

Biện pháp chủ yếu của cơ quan chức năng hiện nay là vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ bản chất phản động, lừa đảo, đi ngược lại chủ trương đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước.

Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên.

Theo Đại tá Tráng A Tủa, tại một số huyện như Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Tuần Giáo… cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã tăng cường xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng và đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ tà đạo "Giê sùa" và "Bà cô Dợ", đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Gần 100 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với dân đã được tổ chức, kết hợp với chiếu phim tuyên truyền tại các bản bị ảnh hưởng với hơn 4.500 lượt người tham gia.

Qua đó, các ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động giải tán được 13 điểm hoạt động tập trung, gần 1.230 người cam kết từ bỏ tà đạo "Giê sùa" chuyển sang các hệ phái Tin lành hợp pháp và hơn 230 người cam kết từ bỏ tà đạo "Bà cô Dợ".

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 48 hộ, 294 người tin theo "Bà cô Dợ" và 14 hộ, 112 người tái tin theo "Giê sùa".

Công an tỉnh Điện Biên cũng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động liên lạc, tài trợ, chỉ đạo của số đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong nước và ngoài nước; Gặp gỡ, trao đổi thông tin, đề nghị các tổ chức Tin lành hợp pháp tăng cường quản lý hoạt động tôn giáo, tham gia đấu tranh lên án, tẩy chay tà đạo "Giê sùa", "Bà cô Dợ" và vận động quần chúng tín đồ không tin theo lời lôi kéo của kẻ xấu; đồng thời tiếp nhận số quần chúng tín đồ đã từ bỏ tà đạo vào hệ thống của hệ phái mình.

“Tranh thủ phát huy vai trò của những người có uy tín, chức sắc, chức việc trong tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động số dân bị ảnh hưởng các tà đạo, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; tác động, hướng lái họ chuyển sang tin theo các hệ phái Tin lành phù hợp... cũng được chúng tôi triển khai”, Đại tá Tráng A Tủa cho hay.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành Công an tỉnh Điện Biên cũng khẳng định, lực lượng chức năng sẽ chủ động đấu tranh răn đe, xử lý số cầm đầu, cốt cán vi phạm pháp luật nhằm hạn chế tác động tiêu cực của các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc vào vùng đồng bào Mông trên địa bàn.

H.G/VOV.VN

Tin mới