Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 7 thập kỷ qua. Hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men và phân bón đều bị đình trệ, dẫn đến tình trạng bán phá giá và hàng loạt cuộc biểu tình.
Để giải quyết tình trạng hỗn loạn này, Sri Lanka sẽ cần khoảng 3,3 tỷ USD để nhập khẩu nhiên liệu, 900 triệu USD cho thực phẩm, 250 triệu USD cho gas nấu ăn và 600 triệu USD để chi cho phân bón trong năm nay.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe vẫn tin tưởng rằng đất nước có thể tăng trưởng trở lại. (Ảnh: Reuters)
Ngân hàng trung ương Sri Lanka ước tính nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 3,5% trong năm 2022. Dù vậy, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe vẫn tin tưởng đất nước có thể tăng trưởng trở lại nếu có một gói cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nợ và sự hỗ trợ từ quốc tế.
"Chúng ta cần đạt được sự ổn định kinh tế vào cuối năm 2023", ông Wickremesinghe nói.
Đất nước 22 triệu dân này đang đàm phán gói vay trị giá khoảng 3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đồng thời họ cũng nhận trợ giúp từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Hôm 7/6, nội các Sri Lanka phê duyệt khoản hạn mức tín dụng 55 triệu USD từ Ngân hàng Exim của Ấn Độ để tài trợ cho việc nhập khẩu 150.000 tấn urê.
Tình trạng lạm phát lương thực tại Sri Lanka đã lên tới 57% do giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, đồng tiền mất giá và sản lượng trong nước thấp. Nghiêm trọng hơn, các chuyên gia dự báo sản lượng từ vụ thu hoạch tới sẽ giảm một nửa do thiếu phân bón.
Theo Thủ tướng Wickremesinghe, Liên Hợp Quốc sẽ kêu gọi thế giới giúp đỡ Sri Lanka vào ngày 8/6, đồng thời cam kết hỗ trợ Sri Lanka 48 triệu USD cho lương thực, nông nghiệp và y tế.
Bên cạnh đó, Sri Lanka đang đàm phán với Trung Quốc nhằm thiết lập một giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trị giá 1,5 tỷ USD để tài trợ cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.
Vào tháng tới, Thủ tướng Sri Lanka sẽ công bố ngân sách tạm thời để cắt giảm chi tiêu của chính phủ và tăng khoản chi cho phúc lợi hàng năm từ 350 triệu USD lên 500 triệu USD.