Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh chuyển nặng, tử vong

(VTC News) -

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 115 trường hợp tử vong, dự báo dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thời điểm này, mỗi ngày tiếp nhận 10-20 ca sốt xuất huyết. Tính chung cả 2 cơ sở hiện có hơn 100 ca bệnh sốt xuất huyết đang điều trị.

Bệnh nhân diễn biến nặng nhanh

Báo cáo tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ tháng 5 đến nay, bệnh viện ghi nhận 14 ca tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó, 50% trường hợp tử vong ngay từ những ngày thứ 4,5 của bệnh. Nhiều người bệnh có tình trạng chồng chéo nhiều cơ chế tổn thương.

Điểm chung của các bệnh nhân là được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc sâu, suy đa phủ tạng, nhiều người đã ngừng tim trên đường vận chuyển.

Những bệnh nhân này thường thuộc nhóm nguy cơ cao, nhưng không được kiểm soát tốt, không phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng hoặc có phát hiện nhưng xử lý ban đầu chưa đạt hiệu quả.

Trong đó có thể kể đến việc truyền chưa đủ tốc độ, ngừng hoặc giảm tốc độ truyền dịch quá sớm hay không duy trì truyền dịch đủ trên đường vận chuyển lên tuyến trên.

“Các tình trạng chồng chéo dẫn đến khó phát hiện đối với những nơi ít kinh nghiệm. Có thể kể đến là tình trạng sốc ở người có tiền sử tăng huyết áp trước đó nên khi được điều trị nâng huyết áp lên mức như người bình thường nhưng vẫn là không đủ áp lực tưới máu đối với họ.

Bên cạnh đó, những người bệnh bị chảy máu kín đáo như chảy máu trong ổ bụng, trong cơ trên nền cô đặc máu cũng rất dễ bị bỏ sót”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, tình trạng bội nhiễm vi khuẩn trên nền hạ bạch cầu máu do sốt Dengue cũng khiến nhiều thầy thuốc ít kinh nghiệm khó phát hiện ra. Nếu các tình trạng bệnh lý này không được phát hiện và xử lý đúng kịp thời, bệnh nhân sẽ diễn biến nặng nhanh chóng.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, một tình trạng đáng báo động là Bệnh viện ghi nhận một số lượng lớn các ca bệnh sốt xuất huyết có thời gian chuyển biến nặng rất nhanh. Đây là một dấu hiệu khá khác biệt so với những vụ dịch trước.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. (Ảnh: Chi Lê)

“Mới đây, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 22 tuổi, được chuyển từ tuyến dưới trong tình trạng sốc, thiếu máu nặng và đã từng một lần ngừng tim. Chúng tôi đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể cứu sống bệnh nhân.

Một trường hợp khác cũng nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch được cấp cứu và can thiệp thở máy. May mắn là bệnh nhân đáp ứng điều trị và đang có dấu hiệu phục hồi”, bác sĩ Phúc thông tin.

Phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch

Hiện đang là những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên trong những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung. Các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.

Do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19. Ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy.

Ngành y tế giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính).

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Ngày 25-26/11, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp với Hội Truyền nhiễm Việt Nam và Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022.

Hội nghị đã nhận được trên 200 báo cáo khoa học từ các đơn vị trong cả nước và 66 báo cáo xuất sắc đã được lựa chọn trình bày tại Hội nghị.

Trước thềm Hội nghị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức các khóa Đào tạo liên tục (CME) về cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan; cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn và chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trên 200 bác sỹ và điều dưỡng đã được đào tạo và cấp chứng chỉ từ 3 lớp đào tạo liên tục nói trên.

Hội nghị toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022 là cơ hội tốt để các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ, điều dưỡng thuộc chuyên ngành truyền nhiễm và các chuyên ngành liên quan được cập nhật thông tin, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong các lĩnh vực công tác của mình sau thời gian dài nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm.

Thanh Hải

Tin mới