Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sống ở nơi lạnh nhất thế giới: Gần -100 độ, không mùi, có thể chết vì hít thở

Nam Cực còn được ví là “Sao Hỏa Trắng” vì điều kiện sống quá khắc nghiệt.

Hiện nay ở Nam Cực có trên 80 trạm nghiên cứu thường trực ở khắp nơi với hàng trăm nhà khoa học. Hãy xem họ đã sống như thế nào nhé, ít nhất có 4 điều vô cùng đặc biệt mà chỉ thấy ở Nam Cực!

 

Lạnh đến vi khuẩn cũng "run"

Nhiệt độ trung bình của Nam Cực là -50 độ C, xuống thấp nhất là -80 độ C. Điều kiện như vậy khiến nhiều loài vi khuẩn cũng không sống nổi.

Mức nhiệt độ lạnh nhất ghi nhận là -97,7 độ C, tức gần -100 độ C. Nhà nghiên cứu Ted Scambos thuộc Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia (NSIDC) tại Đại học Colorado thậm chí phải thốt lên rằng: “Nơi đó giống như một hành tinh khác vậy”.

 

Nhiệt độ thấp nhất trước đó từng được ghi nhận thông qua các trạm khí tượng trên Trái Đất là -89 độ C tại trạm Vostok, Nga hồi năm 1983. Tới năm 2013, các nhà khoa học NASA và Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đã tìm được nơi có nhiệt độ lạnh nhất, lên tới -93,2 độ C ở một số cao nguyên phía Đông Nam Cực.

Còn các nhà khoa học, kĩ sư ở Nam Cực, họ phải mặc nhiều lớp áo, đi giày chuyên dụng, đeo găng tay và kính. Trọng lượng của bộ đồ nặng không kém gì đồ phi hành gia, chứng minh cái tên "Sao Hỏa Trắng" đặt cho Nam Cực không hề sai!

 

Tại nơi lạnh nhất thế giới từng được ghi nhận tại Vostok, Nga, các nhà khoa học Nga thậm chí phải đeo mặt nạ làm ấm không khí trước khi họ hít thở. Bởi nếu không cẩn thận hít phải không khí quá lạnh có thể khiến phổi người bị xung huyết.

Xung quanh trắng xóa và không mùi

Tương tự với sa mạc khắp 4 bề là cát, ở Nam Cực mọi phía đều trắng xóa, khiến việc xác định phương hướng rất khó khăn. Chuyện đi lòng vòng không lối ra, hay phải dựng lều trú ẩn khi có bão tuyết từ lâu đã không còn lạ gì.

 

Hơn nữa, nhiều điểm khác ở Nam Cực nằm trên độ cao 3.000m so với mặt nước biển, nên có không khí loãng và lượng oxy thấp. Hầu như mọi người không thể ngửi thấy mùi gì cả. Sau khi trở về đất liền, các nhà nghiên cứu tại đây đã gặp cú sốc về mùi khi thích nghi lại với cuộc sống.

Không phân biệt được ngày hay đêm

Trong mùa đông tại Nam Cực, mặt trời không mọc lên trên đường chân trời, vì thế con người phải sống dưới bóng tối hoàn toàn trong 4 tháng. Điều này xảy ra ngược lại vào mùa hè, khi mặt trời không lặn xuống dưới đường chân trời.

 

Do thực tế này, nhịp sinh học bị rối tung lên khiến con người cảm thấy khó ngủ hoặc khó ăn uống. Những tia nắng đầu tiên sau 4 tháng tối tăm khiến mọi người cảm thấy sảng khoái như bắt đầu một kì nghỉ, họ thường hào hứng dậy sớm ngắm mặt trời mọc sau một thời gian dài chìm trong bóng đêm.

Mọi thứ đều đóng băng

Cyprien Verseux - một nhà sinh vật học vũ trụ làm nhiệm vụ ở Nam Cực từng chia sẻ một loạt những hình ảnh thú vị về cuộc sống ở Nam Cực. Anh chàng thực hiện một thử nghiệm để xem chuyện gì sẽ xảy ra khi cố gắng ăn sáng hoặc dùng bữa trưa ở nơi có nhiệt độ xuống thấp đến mức chỉ còn -70 độ C.

 

 

Mặc dù những món ăn đều được chuẩn bị với các nguyên liệu trông rất ngon lành, nhưng có vẻ như Cyprien Verseux sẽ không thể kịp thưởng thức nó. Bởi có thể thấy, đĩa spaghetti hay món trứng rán hấp dẫn đã ngay lập tức bị biến thành tác phẩm điêu khắc băng khi được đưa ra ngoài trời.

 

Có thể thấy, nếu như mùa hè ở một số địa điểm có thể rán chín trứng thì ở Nam Cực, mọi thứ đều đông cứng ngay khi vừa tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời, thậm chí cả tóc và quần áo con người. 

Cersei (Tổng hợp)

Tin mới