Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 125.216 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 92,79% kế hoạch tạm giao năm 2023.
Tuy vậy, số người tham gia BHXH bắt buộc còn giảm 3.247 người so với cuối năm 2022. Điều này chủ yếu do doanh nghiệp tiếp tục bị cắt giảm đơn hàng nên cắt giảm lao động; cơ cấu lại hệ thống sản xuất; đồng thời, một số lượng lớn người lao động đi vào các tỉnh phía Nam làm việc từ sau Tết Nguyên đán.
Các đơn vị tại Thừa Thiên - Huế giảm lớn lao động như: Công ty SCAVI Huế giảm 1.157 người, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế giảm 263 người, Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế giảm 303 người, Công ty TNHH Chế Xuất Billion Max Việt Nam giảm 181 người, Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam giảm 150 người, Công ty Cổ phần Dệt may Huế giảm 232 người…
Nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế có số lao động thụt giảm đáng kể là một trong những nguyên nhân khiến số người tham gia BHXH thụt giảm. (Ảnh: CTTĐTH)
Riêng Công ty cổ phần One-One miền Trung, hiện đang giảm có 64 lao động, chủ yếu là do cháy làm hỏng máy móc, nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, số người tham gia BHXH tự nguyện cũng giảm 707 người so với cuối năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do một số người dân gặp khó khăn khi tăng mức đóng tối thiểu nên không tiếp tục tham gia; một số người dân di chuyển khỏi địa bàn và đóng BHXH ở địa phương khác…
Trong đó, ngoại trừ huyện Phú Lộc duy trì số người tham gia bằng cuối năm 2022, các đơn vị còn lại đều giảm (Hương Trà giảm 176 người, Quảng Điền giảm 147 người, Nam Đông giảm 104 người, A Lưới giảm 100 người,…).
Xác định công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là nhiệm vụ chính của ngành, đồng thời việc này sẽ khó khăn khi các DN vẫn đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, vì vậy ngay từ đầu năm 2023, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN trong kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội để chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.
Đồng thời, cơ quan BHXH cũng chủ động phối hợp trong việc liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan liên quan như: Cục Thuế, Sở LĐ-TB&XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư… để quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động, xác định rõ lao động của các doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong Tổ Thu nợ liên ngành để thực hiện các giải pháp đôn đốc thu nợ.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng giao chỉ tiêu phát triển người tham gia, thu BHXH, BHYT, BHTN cho các đơn vị BHXH địa phương.
Đặc biệt, cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp trong công tác thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng như hàng tháng trích xuất dữ liệu người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đến thời hạn đóng, quá hạn đóng gửi các tổ chức dịch vụ thu để đôn đốc tiếp tục tham gia.
Trong năm 2023 ngành BHXH Thừa Thiên - Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH. (Ảnh: Thục Trinh)
Bám sát, đôn đốc tổ chức dịch vụ thu vừa phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, vừa duy trì số người đang tham gia.
Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc phối hợp với chính quyền địa phương ở cấp xã với các tổ chức dịch vụ thu trong việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền theo nhóm nhỏ để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng làm việc trực tiếp tại đơn vị để đôn đốc thu, thu nợ, tiến hành thanh kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành để đôn đốc thu nợ; đôn đốc việc chuyển tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tự nguyện cho các đối tượng...
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, điểm nổi bật nhất của Thừa Thiên - Huế là số người tham gia BHYT tăng 1.046 người so với cuối năm 2022, nâng tổng số người tham gia tại tỉnh lên 1.153.853 người và đạt 99,52% kế hoạch giao.
Điều này do BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường nhiều giải pháp vận động các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình (số người tham gia BHYT hộ gia đình trên toàn tỉnh tăng là 9.348 người so với cuối năm 2022).
Trong đó, các đơn vị có số tăng lớn so với cuối năm 2022 là: Phú Lộc tăng 971 người, Khối Văn phòng tỉnh tăng 673 người, Hương Trà tăng 584 người, Nam Đông tăng 569 người. Riêng các đơn vị như Phú Vang giảm 2.179 người, A Lưới giảm 449 người, Quảng Điền giảm 32 người.
Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra cũng được BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng triển khai. Tính đến ngày 15/6 toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thanh kiểm tra tại 111 đơn vị.
Qua thanh kiểm tra đã kiến nghị truy thu BHXH, BHYT, BHTN đối với 110 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhưng chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian với tổng số tiền 508.639.141 đồng (chưa bao gồm lãi truy thu).
Kiến nghị truy thu BHXH, BHYT đối với 140 người lao động có mức lương tham gia thấp hơn mức lương quy định với tổng số tiền 268.562.216 đồng (chưa bao gồm lãi truy thu).
Kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH số tiền 90.853.487 đồng do thanh toán chế độ BHXH ngắn hạn không đúng quy định đối với 434 lượt người.
Đặc biệt, trong quá trình thanh tra và sau khi ban hành Kết luận thanh tra, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên truyền, thuyết phục, đôn đốc các đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT chuyển nộp tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về quỹ BHYT số tiền 716.910.621 đồng do cơ sở khám chữa bệnh BHYT chi sai quy định.
Theo đánh giá của BHXH Thừa Thiên - Huế, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo chỉ tiêu tạm giao của BHXH Việt Nam năm 2023 là hết sức khó khăn.
Tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động với số lượng lớn do không có đơn hàng, do cơ cấu lại hệ thống vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN.
Một số doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn...
Do vậy, cùng với việc đốc thu- giảm nợ, từ nay đến cuối năm BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu và các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị khách hàng, tuyên truyền theo nhóm nhỏ, tổ chức truyền thông đến cụm dân cư, hộ gia đình, từng người dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
Từ nay đến cuối năm BHXH Thừa Thiên - Huê tiếp tục tuyên truyền, cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID đến từng cụm dân cư.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua mạng internet, qua mạng xã hội về ý nghĩa, quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; thực hiện đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đốc thu, giảm nợ…