Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sợ mất thưởng Tết nên không dám nhảy việc cuối năm

Thanh Khoa từ chối lời mời của các công ty khác vì sợ mất thưởng Tết; còn Minh Đức cố bám trụ công việc vì mong đợi tháng lương thứ 13.

Từ tháng 9, lương của Trung Hiếu (25 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị giữ lại một phần, tương đương 2-3 triệu đồng/tháng. Cấp trên giải thích đây là khoản tiền "để dành cho đợt thưởng Tết". Điều này có nghĩa nếu kỹ sư xây dựng này nghỉ việc ở thời điểm hiện tại, anh sẽ mất trắng số tiền thưởng và cả phần lương "được cầm giùm".

"Một số đồng nghiệp của tôi cho biết đó là cách để công ty giữ nhân sự trong dịp cuối năm. Tôi chỉ thấy bất ngờ vì đi làm chăm chỉ và hoàn thành đầy đủ yêu cầu được giao nhưng lại bị cắt phần lương tháng?", anh nói với Zing.

Thanh Khoa quá tải công việc vào những tháng cuối năm, nhưng không dám nghĩ vì nghĩ tới khoản thưởng Tết.

Vừa sang quý IV đã mong thưởng Tết

Ở tháng lương gần nhất, Trung Hiếu chỉ thực nhận 7,5 triệu đồng, thay vì 13,3 triệu đồng như trong hợp đồng. Với mức thu nhập này, anh nhẩm tính sẽ phải vay mượn thêm để trang trải sinh hoạt phí những ngày cuối tháng.

Trung Hiếu mới chuyển sang công ty xây dựng này khoảng 5 tháng qua. Bắt đầu sang quý IV, khi công việc căng thẳng lên, anh liên tục phải làm thêm cuối tuần - điều không được nêu trong hợp đồng lao động.

Ban đầu, Trung Hiếu nghĩ rằng anh sẽ có thêm lương làm ngoài giờ nhưng thực tế thì không.

"Quý cuối năm, công ty nào cũng bận rộn hơn khi có hàng loạt dự án. Tôi cảm thấy bị kiệt quệ. Trong khi đó, mức lương chỉ đủ sống qua ngày", anh thở dài.

Không ít lần Trung Hiếu tính đến chuyện nhảy việc. Nhưng nghĩ đến khoản tiền thưởng, vốn bao gồm cả lương tháng của mình, anh lại chùn bước.

"Sang nơi mới chắc chắn cũng không có thưởng Tết. Chi bằng tôi ở lại chờ rồi tính tiếp", anh bày tỏ.

Tương tự Trung Hiếu, Thanh Khoa (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), trợ lý trưởng phòng marketing tại một công ty công nghệ ở quận 7, cũng đắn đo chuyện nghỉ việc trong những tháng cuối năm.

Công việc quá tải là một trong những lý do. Bắt đầu quý IV, nhân viên này phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ và không thể giải quyết hết vì thiếu nhân sự.

"Bộ phận của tôi đang thiếu người trầm trọng mà chưa tuyển được người. Bởi vậy, một mình tôi phải hoàn thành đầu việc của 2-3 người cộng lại. Tôi rất mệt mỏi, thậm chí mất ngủ nhiều đêm", anh chia sẻ.

Mới đây, Thanh Khoa được một số người quen liên hệ và ngỏ lời hợp tác làm việc. Họ đề xuất mức lương cao hơn 20-30% so với thu nhập tháng hiện tại. Con số hậu hĩnh khiến anh lạc quan, nhưng đến bước phỏng vấn, nhân sự này lại cảm thấy do dự.

Theo đó, tại công ty của Thanh Khoa, mỗi nhân sự sẽ có tháng lương 13 cùng các khoản thưởng dựa trên hiệu suất công việc.

Tùy vào báo cáo quý và tổng kết năm, mỗi người có thể nhận thêm 2-5 tháng lương, hoặc tối thiểu 1/2 tháng lương nếu kết quả không khả quan.

Hiện Thanh Khoa có mức lương cố định hơn 30 triệu đồng/tháng. Như vậy, kể cả trong trường hợp xấu nhất, anh cũng được thưởng cuối năm khoảng 50 triệu đồng - một con số đủ để thuyết phục anh không nhảy việc ở thời điểm hiện tại.

"Nếu thay đổi công việc lúc này, tôi phải thử việc trong vòng 2 tháng, tức tháng 12 mới trở thành nhân viên chính thức tại công ty mới. Như vậy, tôi sẽ không có thưởng ở cả 2 nơi", anh nói.

Trong khi đó, dù công ty cắt giảm lương suốt nửa năm qua, Minh Đức (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), chuyên viên sản xuất nội dung, vẫn cố gắng trụ lại để cuối năm nhận thưởng.

Trước đây, mức lương trung bình của anh rơi vào khoảng 15-18 triệu đồng/tháng, đã bao gồm lương cứng và khoản hoa hồng đi kèm. Nhưng hiện nay, anh chỉ nhận được khoảng 10 triệu đồng khi công ty gặp khó khăn.

Nhiều đồng nghiệp của anh đã nhảy việc. Thế nhưng, Minh Đức cảm thấy tiếc nuối khoản tiền thưởng, dù con số không nhiều như anh kỳ vọng.

"Công ty tôi không có thưởng Tết mà chỉ có tháng lương thứ 13, được tính theo trung bình cộng của 12 tháng làm việc trước đó. Cuối năm nay, tôi ước tính mình sẽ nhận khoảng 10 triệu đồng. Khoản tiền đó quá ít ỏi, nhưng có thể phần nào giúp tôi biếu bố mẹ hoặc mua sắm thêm quà cáp cho gia đình ở xa dịp Tết. Tôi thấy mình không nên mạo hiểm nhảy việc vào thời điểm cuối năm", anh chia sẻ.

Minh Đức cố trụ lại công ty vì khoản tiền thưởng Tết có thể giúp anh mua sắm ít quà cáp cho gia đình.

Cái khó của quản lý

Nhân sự cố làm việc những tháng cuối năm chỉ để chờ đợi tiền thưởng Tết cũng là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp.

Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Tùng Giang, nhà sáng lập G Investment Group, cho biết mình quan ngại về tình trạng nhân viên chờ thưởng Tết rồi đồng loạt nghỉ việc. Anh nhận thấy rằng đây là tình hình chung của nhiều công ty hiện nay.

Để giảm thiểu tình trạng này, anh đề ra một số giải pháp tình thế như đưa ra chính sách thưởng quý, thưởng hiệu suất sau Tết. Công ty anh cũng lùi các hoạt động team building hay bữa liên hoan cuối năm sang đầu năm mới, nhằm khích lệ tinh thần và tăng sự gắn bó trong tập thể.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công ty của anh Tùng Giang còn đưa ra các khảo sát đánh giá năng lực nhân sự, từ đó xem xét tăng lương hoặc bổ nhiệm họ lên vị trí cao hơn.

"Nhưng đôi khi, chúng tôi buộc phải áp dụng một số chính sách tiêu cực hơn, chẳng hạn chỉ gửi 80% khoản thưởng và giữ lại 20% để gửi vào tháng tiếp theo", anh chia sẻ.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự, tập đoàn Navigos Việt Nam, cho biết thưởng Tết không phải yếu tố tiên quyết để một người lao động quyết định tiếp tục gắn bó với công ty, nhưng giai đoạn gần Tết lại là thời điểm để họ cân nhắc ý định đó một cách dễ dàng hơn.

Bà Hoài Linh cũng cho biết có thể hiểu được tình trạng nhân viên chờ thưởng Tết rồi mới nghỉ việc. Mục đích đi làm của nhân viên là để kiếm thu nhập, từ đó đảm bảo duy trì cuộc sống cá nhân và gia đình. Do đó, nhân viên có quyền cân nhắc và quyết định làm việc ở công ty nào phù hợp nhu cầu của mình nhất.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu hàng loạt nhân viên nghỉ việc sau Tết. Thách thức đầu tiên là hoạt động vận hành bị ảnh hưởng. Thông thường, từ cuối năm, công ty đã định rõ các kế hoạch và đưa ra chỉ tiêu cho năm mới.

Sự thiếu hụt nhân lực ngay đầu năm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện những kế hoạch đó, dẫn đến kết quả kinh doanh, sản xuất không diễn ra như mong đợi. Việc bổ sung nhân lực cũng không hề dễ dàng, bởi doanh nghiệp sẽ phải bỏ thời gian và nguồn lực để tuyển dụng, sau đó đào tạo lớp nhân sự mới.

Mặt khác, tỷ lệ người lao động nghỉ việc cao có khả năng khiến những nhân viên còn lại trong công ty bị ảnh hưởng tinh thần và năng suất, đồng thời tạo ấn tượng không tốt với các ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đau đầu trong việc tìm cách giữ chân nhân sự dịp cuối năm, lo ngại tình trạng ồ ạt nghỉ việc sau Tết. (Ảnh: Phương Lâm).

Theo bà, để đối mặt vấn đề này, doanh nghiệp không chỉ cần có những kế hoạch dự trù nhân sự sau Tết, mà còn phải tập trung vào việc gắn kết nội bộ, giữ chân nhân tài.

"Công ty cần có các chế độ đãi ngộ phù hợp để người lao động thấy được lợi ích khi gắn bó với doanh nghiệp. Nếu họ không thấu hiểu nhu cầu và mong muốn của nhân viên, người lao động rất có thể cân nhắc tìm một môi trường phù hợp hơn", bà nói.

Theo báo cáo "Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động" được công bố bởi Navigos Search (Navigos Group) vào hồi tháng 4, tháng lương thứ 13 và thưởng Tết là phúc lợi lớn nhất mà người lao động tại Việt Nam được nhận sau quá trình làm việc.

Khảo sát được thực hiện trên 6.800 ứng viên đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề khác nhau.

Trong đó, 40,53% nhận thưởng một tháng lương; 22,2% nhận thưởng 2 tháng lương và 12,85% chỉ nhận khoản tiền tương đương dưới một tháng lương.

Ngoài ra, có đến 53% ứng viên hiện nay luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc, tuy nhiên chỉ có 37% nhà tuyển dụng sẵn sàng thể hiện những thông tin này trong bản mô tả công việc đăng tuyển của công ty mình.

Thậm chí, ngay cả khi đã làm việc, nhân sự vẫn khá mù mờ trước tình hình thưởng Tết theo năm. 82% nhân viên lựa chọn sẽ phản ứng cụ thể nếu không nhận được thưởng Tết như đúng với mong đợi. Theo đó, 27% lựa chọn sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn, 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết.

Nguồn: Zing News

Tin mới