Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Số ca ung thư gan tại Việt Nam xếp thứ 4 thế giới

(VTC News) -

Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam nhận định, ung thư gan tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và chỉ chậm lại sau vài chục năm nữa.

Bên lề hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội đang diễn ra, GS Nguyễn Chấn Hùng cho biết, xu hướng ung thư tại Việt Nam có những điểm khác với thế giới.

Đáng lưu ý khi ung thư gan tại Việt Nam càng ngày càng tăng, vượt qua ung thư phổi trở thành ung thư có tỉ lệ mắc hàng đầu với số ca mắc mới và tử vong đều trên 25.000 ca, kế đó là ung thư phổi 23.667 ca mắc mới, ung thư dạ dày hơn 17.000 ca.

Trước đó, vào năm 2000, số ca mắc mới ung thư gan tại Việt Nam chỉ có 5.700 ca, sau đó tăng lên 9.400 ca năm 2010.

Ung thư gan tại Việt Nam xếp thứ 4 trong bản đồ ung thư thế giới.

Nếu tính trên 100.000 dân, tỉ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam đang là 23,2, xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư.

Với tỉ lệ này, Việt Nam chỉ đứng sau Mông Cổ (tỉ lệ 93,7/100.000 dân), Ai Cập (32,2), và Gambia (23,9). Vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt thuộc về Lào (22,4) và Campuchia (21,8), vị trí thứ 8 thuộc về Thái Lan (21).

Trong khi đó trên thế giới, đứng đầu là ung thư phổi, thứ hai là ung thư tuyến tiền liệt, thứ ba là ung thư đại trực tràng.

Sở dĩ có sự khác biệt này, GS Hùng giải thích tỉ lệ mắc viêm gan B và viêm gan C tại Việt Nam quá lớn. Đây là những “sát thủ thầm lặng” dẫn tớ xơ gan rồi ung thư gan.

Theo thống kê, trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan được xác định là do virus viêm gan C.

Hiện Việt Nam có khoảng 20 triệu người nhiễm virus viêm gan B và và C, trong đó khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan và ung thư gan, nằm trong top cao của khu vực và thế giới.

Theo GS Hùng, nếu một người mắc viêm gan B không điều trị sẽ tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan và sau 20-30 năm sẽ thành ung thư gan.

Sau viêm gan B, C, các tác nhân tiếp theo gây ung thư gan là lạm dụng rượu, nấm mốc, béo phì, tiểu đường…

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, nấm mốc nhiều nên bệnh viêm gan dễ tiến triển dữ dội. Nếu viêm gan C lại kết hợp thêm nhậu nhẹ thì tổn thương gan rất nặng.

Cùng với Việt Nam, Trung Quốc cũng có tỉ lệ viêm gan B rất cao, trong khi đó ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, tỉ lệ viêm gan B rất thấp nhờ chiến dịch tiêm phòng đầy đủ nhiều chục năm qua, viêm gan C có mắc nhưng bệnh nhân đều được điều trị triệt để.

Chuyên gia ung bướu hàng đầu Việt Nam nhận định, với số lượng người mắc viêm gan B tại nước ta như hiện tại, trong những năm tới, số ca mắc ung thư gan sẽ tiếp tục tăng và giữ vị trí top đầu.

Để hạn chế ung thư gan sẽ cần nhiều chục năm nữa khi Việt Nam có thế hệ trẻ lớn lên được tiêm phòng viêm gan B đầy đủ.

GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.

Với người trưởng thành, nếu ai chưa mắc viêm gan B, GS Hùng khuyên nên đi chích ngừa ngay, nếu ai đã mắc viêm gan B, trường hợp phải điều trị cần tuân thủ theo đúng phác đồ và theo dõi sát để ức chế virus phát triển, ngăn chặn nguy cơ biến chứng xơ gan và ung thư gan.

Trong gia đình, nếu 1 người mắc viêm gan B, những người còn lại đều nên đi kiểm tra để điều chỉnh.

Trường hợp mắc viêm gan C, giờ tại Việt Nam đã có thuốc điều trị, trung bình 3 tháng là khỏi hoàn toàn.

Dù Việt Nam đã cập nhật nhiều tiến bộ trong điều trị ung bướu, song tỉ lệ chữa khỏi ung thư gan tại Việt Nam vẫn rất thấp do có tới 80-90% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các biện pháp can thiệp, điều trị rất hạn chế. Trong khi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng điều trị rất tốt.

Để điều trị ung thư gan, ngoài các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, dùng thuốc nhắm trúng đích, hiện có thêm các phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng, điện đông, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan...

Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào vị trí, kích thước, giai đoạn của bệnh cũng như các bệnh lý kèm theo.

Với ung thư biểu mô tế bào gan, phẫu thuật là ưu tiên lựa chọn hàng đầu vì giúp lấy bỏ được khối u, tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 số bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán ban đầu có thể phẫu thuật.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới