Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Số ca tử vong do COVID-19 gia tăng, chuyên gia nói gì?

(VTC News) -

Chuyên gia nhận định nguyên nhân số ca tử vong do COVID-19 gia tăng thời gian qua.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 4 ngày nghỉ lễ, tổng người khám COVID-19 là 4.618. Người mắc COVID-19 nhập viện điều trị nội trú là 2.477. Người bệnh COVID-19 chuyển viện là 176. Số ca COVID-19 ra viện là 1.684.

Đáng chú ý, số người mắc COVID-19 tử vong, gồm cả trường hợp tiên lượng tử vong xin về là 17. Trong đó, ca tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 7. Đơn cử như ngày 2/5, cả nước ghi nhận 4 ca, TP.HCM (1 ca), Đà Nẵng (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Lạng Sơn (1 ca). Ngày 30/4, 3 ca COVID-19 tử vong tại Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai. Trong khi trước đó hầu như Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 trong suốt thời gian dài.

Như vậy, sau nhiều tháng không ghi nhận thì thời gian gần đây, số người tử vong liên quan đến COVID-19 liên tục được cập nhật trên hệ thống theo dõi của Bộ Y tế.

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Phần lớn ca tử vong ở nhóm cao tuổi, bệnh nền

Trao đổi với VTC News, một chuyên gia lĩnh vực hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, dù thời gian gần đây số ca mắc COVID-19 gia tăng, nhưng số người tử vong chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn ca tử vong giai đoạn này là ở bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền. Nhóm người này dù không mắc COVID-19 cũng đã rất yếu nên khi nhiễm nCoV  thì bệnh càng diễn biến nặng và nguy kịch hơn. "Vì vậy với bệnh nhân này, việc dùng thuật ngữ tử vong do COVID-19 là không phù hợp, COVID-19 chỉ là yếu tố liên quan" - vị bác sĩ nói.

Số liệu trên thế giới cho thấy, các chủng virus gây COVID-19 đang lưu hành độc lực không mạnh hơn so với các chủng ban đầu. Cùng với việc phần lớn người dân đã được tiêm phòng và từng mắc đã tạo nên miễn dịch cộng đồng, do đó giai đoạn này người dân không nên quá hoang mang lo lắng.

Thơi điểm này, chuyên gia khuyên người dân cần tập trung chăm sóc phòng ngừa và bảo vệ tốt cho người bệnh lý nền nặng, người có nhiều yếu tố nguy cơ nhiễm nặng. Cơ sở y tế cần tăng cường chú ý quản lý và điều trị bệnh lý nền, bệnh lý kèm theo đặc biệt khi bệnh nhân có mắc thêm COVID-19.

Tập trung bảo vệ tối đa nhóm nguy cơ cao

Theo ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế. Thống kê trên thế giới có tới trên 500 biến thể phụ song hầu hết đều chung đặc tính là lây lan nhanh, chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng các ca nặng.

 Vaccine COVID-19 dù hiệu quả trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế nhưng vaccine vẫn phòng được ca nặng và nhập viện, tử vong hiệu quả. Hiện chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng rằng biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh. Các biện pháp phòng dịch vẫn được áp dụng là tiêm vaccine COVID-19, khử khuẩn và khẩu trang.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để COVID-19 không ảnh hưởng tới cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh nền, suy giảm miễn dịch, kể cả lực lượng y tế tuyến đầu. Từ đó, tránh sự quá tải hệ thống y tế.

“Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả. Cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế” - ông Lân nhấn mạnh.

AN BÌNH

Tin mới