Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

SJC bán bao nhiêu vàng trong năm 2023?

(VTC News) -

Năm 2023, doanh thu của SJC đạt hơn 28.400 tỷ đồng, chủ yếu là thu từ hoạt động kinh doanh vàng.

Theo báo cáo tài chính tổng hợp năm 2023 của Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn – SJC, 2023 dù là năm thị trường vàng biến động đặc biệt, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này không thực sự nổi bật.

Kết thúc năm tài chính 2023, SJC có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 28.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số hơn 27.150 tỷ đồng của năm 2022. Tổng doanh thu của SJC chủ yếu là thu từ hoạt động kinh doanh vàng.

Năm 2023, SJC đạt doanh thu hơn 28.400 tỷ đồng, chủ yếu là thu từ hoạt động kinh doanh vàng. (Ảnh: TL)

Dù doanh thu lớn, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp với thương hiệu vàng quốc gia chỉ đạt gần 61 tỷ đồng. Lý do lãi quá nhỏ là vì giá vốn kinh doanh vàng quá lớn, ở mức hơn 28.166 tỷ đồng, tương đương với doanh thu.

Đáng chú ý, hàng tồn kho đến hết năm 2023 lên đến hơn 1.446 tỷ đồng. Công ty tăng mạnh dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên gần 84 tỷ đồng.

Theo lý giải của SJC, hàng tồn kho được xác định gồm nguyên vật liệu hàng hóa bao gồm chi phí mua và các chi phí liên quan khác; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và thành phẩm.

Theo ý kiến của kiểm toán, SJC dự phòng trích lập hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vàng và nữ trang tại thời điểm cuối tháng 12/2023.

Năm 2024, SJC cho biết sẽ tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, mở rộng phát triển thị trường kinh doanh sang Đông Nam Á. Lượng vàng miếng gia công, dập từ vàng móp méo dự kiến ở mức 31.692 lượng, giảm hơn 4.460 lượng so với con số năm 2023. Nữ trang cũng giảm mạnh về số lượng, với mức giảm hơn 123.600 món so với năm 2023, chỉ đạt khoảng 444.912 món.

Khách hàng mua vàng tại SJC trong tháng 5/2024. (Ảnh: H. Linh)

Doanh nghiệp vàng này sẽ ra mắt nữ trang mới chế tác từ trầm hương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bán đồng hồ và mắt kính, và bắt đầu chuẩn bị các điều kiện để mở trường đào tạo, dạy nghề kim hoàn với quy mô đào tạo thợ kim hoàn cho cả nước.

SJC dự kiến doanh thu năm 2024 đạt khoảng hơn 30.145 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế vẫn khiêm tốn khoảng 70,2 tỷ đồng.

Mới đây, tại họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP.HCM chiều 16/5/2024, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ chính sách này nhưng bị mang tiếng trục lợi.

Theo bà Hằng, năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia, vì chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường. Cũng năm này, Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng ra đời, để kiểm soát nguồn cung, chống "vàng hóa" nền kinh tế.

Theo Nghị định 24, SJC không được nhập, dập vàng miếng. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Công ty này chỉ được dập lại vàng móp.

Bà Hằng cũng đưa ra con số dẫn chứng trước năm 2012, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp 300-400 tỷ đồng/năm. Từ sau 2012, khi Nghị định 24 ra đời, lợi nhuận của SJC chỉ còn vài chục tỷ đồng.

Cùng với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, SJC đang đảm nhiệm việc bán vàng ra thị trường với mục tiêu kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, ổn định thị trường. (Ảnh: H. Linh) 

2023 là năm giá vàng miếng trong nước có nhiều biến động. Nếu tính từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 12/2023, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 12 triệu đồng mỗi lượng, từ mức giá 67,4 triệu đồng/lượng (ngày 15/1), lên  79,5 triệu đồng/lượng. Thậm chí có thời điểm giá vàng tăng vọt lên mức giá 80,33 triệu đồng/lượng (26/12).

Đáng chú ý, chỉ trong 2 tháng cuối năm, giá vàng đã tăng gần 10 triệu đồng/lượng.

Một trong những nguyên nhân được cho đẩy giá vàng tăng chóng mặt cuối năm 2023 là vì lượng vàng miếng SJC trên thị trường khan hiếm, do từ lâu, SJC đã không được gia công thêm vàng miếng.

Trước diễn biến giá vàng tăng nóng những ngày cuối năm 2023, Thủ tướng đã ký công điện (số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023) gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng bộ, ngành chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Một trong những yêu cầu cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp hiệu quả để quản lý giá vàng miếng trong nước, bảo đảm không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao; tránh ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá toàn diện tình hình thị trường vàng và đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung cần thiết. Mục tiêu cuối cùng là phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới năm 2023 cũng tăng 13% và được nhận định tiếp tục tăng trong năm 2024.

Hà Linh

Tin mới